Không khó để nhận ra những nhà sáng chế “chân đất” gắn liền với đồng ruộng, nông cụ... trong buổi tôn vinh đặc biệt này. Những nét rạn chân chim trên mặt, nước da rám nắng hay đôi bàn tay sần sùi là những điểm không thể lẫn được của những nhà sáng chế đầy đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chất nông dân càng được thể hiện khi những nhà sáng chế đứng dậy phát biểu, đề đạt kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ. Những câu chuyện chân chất, thật thà cùng những kiến nghị mang đầy trăn trở từ đồng ruộng, xưởng cơ khí đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Như câu chuyện “một trăm hạt đậu bắp thần kỳ” của anh nông dân Lê Văn Trung đến từ tỉnh Vĩnh Long. Từ băn khoăn những giống đậu bắp trồng không đạt hiệu quả ở địa phương, năm 2007, trong một lần sang Nhật Bản tìm hiểu về nông nghiệp, anh Trung đã mua được 100 hạt giống đậu bắp xanh. Với khu vườn ươm 3.000m2, sau hơn 2 năm kiên trì tự học hỏi kỹ thuật nhân và lai tạo giống, anh Trung đã tạo ra một giống đậu bắp năng suất, phù hợp với đất đai ở địa phương. Anh Trung vui mừng: “Giống đậu bắp này xanh tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Chỉ cần trồng với diện tích 3.000m2, trừ chi phí có thể thu lãi 53 triệu đồng/vụ”.
Với nhà sáng chế nông cụ Quách Ba (Kiên Giang), ông đã thẳng thắn đưa ra những kiến nghị để hạn chế các bất cập trong chính sách hỗ trợ những nhà sáng chế tay ngang như ông. Sau đó, khi buông tờ giấy, ông nhẹ nhàng xin lỗi bởi: “Khi viết tham luận tôi rất tâm tư. Nhưng đến đây ngày hôm nay, tôi đã nhận thấy rõ những băn khoăn, lo lắng của mình đã được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KHCN lắng nghe và có giải pháp thực hiện. Đây coi nhưng là cơ hội để chúng tôi có thể hợp tác, phát huy những sáng chế của mình”.
63 nhà sáng chế đến từ 63 tỉnh, thành – mỗi người đều có sản phẩm riêng, sáng chế độc đáo của mình nhưng đều chung niềm đam mê sáng tạo vô tận. Không như nhiều lễ tôn vinh khác, buổi lễ tôn vinh cho các nhà sáng chế “chân đất” không có màn trao hoa, kỷ niệm chương... Một nhà sáng chế đến từ miền Trung cho hay, họ không mong đợi nhận được hoa hay những tràng vỗ tay. Bởi họ đã nhận được “món quà” lớn nhất từ Chính phủ, Bộ KHCN. Đó là niềm tin dành cho những nhà sáng chế “tay ngang” và mối liên kết giữa các nhà sáng chế trong cả nước với nhau, với các nhà khoa học, với cơ quan quản lý.
Hỗ trợ tìm đầu ra
Ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KHCN nhận định: “Với nỗ lực của Bộ KHCN và các bộ, ngành, địa phương, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sáng tạo đã từng bước lan toả trong xã hội. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới, gương điển hình tiên tiến về ứng dụng tiến bộ KHCN”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KHCN đánh giá cao các thành quả sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên. “Bằng nỗ lực lao động nghiêm túc, bền bỉ và niềm đam mê đối với khoa học, những nhà sáng chế không chuyên đã tạo ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm” - ông Quân nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ KHCN đề nghị thời gian tới các Sở KHCN tham mưu để UBND cấp tỉnh tổ chức các buổi gặp gỡ các nhà sáng chế không chuyên. Đồng thời, khen thưởng xứng đáng nỗ lực của các nhà sáng chế, hỗ trợ thương mại hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm. Người đứng đầu Bộ KHCN cũng yêu cầu Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các cơ quan chức năng liên quan cần chủ động tìm đến các nhà sáng chế để hướng dẫn cơ chế chính sách, cách thực hiện dự án cho phù hợp với nhu cầu của quỹ.
Chiều cùng ngày, các nhà sáng chế “chân đất” đã được mời tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham quan và trao đổi với các nhà khoa học tại đây.
Từ năm 2003 đến nay, Bộ KHCN đã phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức được 4 kỳ Techmart quy mô quốc gia và quốc tế, hàng chục Techmart quy mô vùng, thu hút hơn 6.000 lượt đơn vị tham gia, giới thiệu và chào bán hơn 30.000 công nghệ, thiết bị; Hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KHCN. Những người dân có sáng chế, sáng kiến cũng được khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả KHCN do họ tạo ra...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Đặc biệt coi trọng những sáng chế của nhân dân Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh các nhà khoa học “chân đất”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “kết quả này không phải tự nhiên mà có được”. Thủ tướng nói: Những thành tựu mà đất nước đạt được ngày hôm nay có thể nói luôn gắn liền với trí tuệ Việt Nam. Chính bằng trí tuệ, bằng sức sáng tạo của nhân dân, đất nước, dân tộc chúng ta đã vượt qua được vô vàn thử thách, khó khăn”.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng phát triển nghiên cứu ứng dụng KHCN, đặc biệt coi trọng những sáng chế trong nhân dân để xây dựng đất nước. Để thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào và phát huy tài nguyên trí tuệ Việt Nam. Năng lực sáng tạo của nhân dân - nguồn tài nguyên vô tận mà càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú.
“Mong rằng tính sáng tạo này tiếp tục được phát huy để đưa vào sản xuất hiệu quả hơn, để người lao động sản xuất đỡ vất vả, đỡ nặng nhọc hơn, chi phí ít hơn mà hiệu quả cao hơn. Tôi đề nghị Bộ KHCN và các bộ liên quan tham mưu cho Chính phủ để ban hành các cơ chế chính sách mọi điều kiện để khuyến khích cho nghiên cứu, sáng chế của mỗi người dân chúng ta. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ thành công” - Thủ tướng nói.
PGS -TS Nguyễn Tất Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Mở ra cơ hội hợp tác với nhà sáng chế
Đây là lần đầu tiên một trường đại học chuyên ngành nông nghiệp được đón tiếp các nhà sáng chế không chuyên, mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học với các nhà sáng chế không chuyên. Tôi thấy hầu hết các nhà sáng chế đều xuất thân từ những người nông dân nhưng lại làm được nhiều việc. Cả nước có hơn 9.000 GS, TS nhưng không nhiều người làm được như các bác. Tôi cũng nhận thấy điểm chung của các nhà sáng chế không chuyên là niềm đam mê. Những sinh viên được đào tạo trong trường chúng tôi cũng không được nhiều người đam mê đến vậy.
Ông Nguyễn Hồng Chương (Lâm Đồng) –chủ cơ sở nghiên cứu, sáng chế ứng dụng máy nông nghiệp: Cần nhất vẫn là vốn
Để làm ra được một sản phẩm ứng dụng được trong thực tế mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, điều chúng tôi cần nhất là vốn. Nhưng quả thật, với cơ chế còn nhiều bất cập như hiện này để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ cho những nhà sáng chế không chuyên như chúng tôi không phải dễ. Để làm được thủ tục công nhận Bằng sở hữu trí tuệ cũng mất hai năm, có khi là ba năm. Chưa kể, chúng tôi xuất thân từ nông dân, biết tìm cách ứng dụng những công cụ, biện pháp trên chính công việc của mình còn việc viết đề nghị, giải trình đề nghị hỗ trợ không hề đơn giản. Từ lúc đề nghị cho đến khi nhận được hỗ trợ là một khoảng thời gian rất dài, có khi mất cả cơ hội sản xuất những ý tưởng của mình.
Ông Nguyễn Tấn Biên (Sn 1953, Khánh Hòa) - người sáng chế thành công máy bóc, tách các loại vỏ: Thấu hiểu nỗi khổ của nhà nông
Tôi thấy rất phấn khởi khi được tiếp xúc, trò chuyện với Thủ tướng, được Thủ tướng lắng nghe ý kiến. Điều này tạo niềm tin cho những người nông dân như chúng tôi khi cảm nhận sự quan tâm của Nhà nước. Tôi sáng chế ra cái máy trước hết để phục vụ cho công việc của chính mình, đến giờ tôi cũng bán với giá của nông dân. Tôi hiểu nỗi khổ của người nông dân nên khi bán chiếc máy mình làm ra, tôi chỉ tính ngày công lao động trong đó, chứ không phải làm giàu bằng chiếc máy đó. Giờ tôi chỉ đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ để những người nông dân ở nhiều nơi cũng có thể sử dụng được công cụ này phục vụ vào sản xuất.