Tham dự diễn đàn có gần 500 đại biểu là các chuyên gia, kỹ sư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các vụ, viện, trường, đại diện 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất rau hoa, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nông dân của hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Các đại biểu đã nêu rõ những vấn đề chung trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hoa ở Việt Nam hiện nay như việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn ở đô thị; khó khăn của người nông dân Tây Nguyên trong trồng hoa công nghệ cao; tình hình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau; việc nghiên cứu lai tạo, chọn lọc giống rau hoa mới và đưa vào canh tác...
Qua đó, các đại biểu cũng chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hoa tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 7.344ha (chiếm 54,4% tổng diện tích cây rau đậu các loại) rau được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, trên thực tế thì các hộ vẫn sản xuất rau nhỏ lẻ, manh mún và chủ yếu bán cho thương lái tại ruộng chứ chưa được sơ chế trước khi tiêu thụ. Việc chế biến rau tươi xuất khẩu hiện chỉ có một số ít đơn vị thực hiện nhưng với sản lượng thấp nên đã ảnh hưởng đến giá trị thực của ngành chế biến rau quả trên địa bàn.
Thông qua diễn đàn, các đại biểu cũng đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn và giới thiệu nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau hoa đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng lan cắt cành; mô hình trồng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); mô hình phòng nuôi cấy mô bán cây giống; ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cà chua bán thủy canh; mô hình ứng dụng hệ thống tưới bán tự động trong vườn lan…
Qua đó giúp nông dân các tỉnh tham gia diễn đàn có cơ hội tiếp cận các mô hình này và có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tế./.
Nguyễn Dũng (TTXVN)