Kết hợp bón phân compost và phân hóa học trên cải tùa xại
Với mục tiêu làm sạch môi trường, giúp giảm thiểu mùi hôi thối, khử trùng các chất độc hại, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh đã sử dụng CPSH EM dạng nước và CPSH Bokashi dạng bột (là một dạng của EM ở trạng thái bột, là chất bổ sung quan trọng làm tăng VSV hữu hiệu để ủ phân, xử lý môi trường) nhằm xử lý nhanh mùi hôi và làm mùn hóa nhanh các loại rác thải công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp… để làm phân bón, giúp tăng cường khả năng quang hợp, phòng ngừa dịch bệnh, thúc đẩy sự nảy mầm, ra hoa kết quả, làm tăng năng suất và chất lượng của cây trồng.
Kết quả thực tế cho thấy, khi sử dụng kết hợp phân compost và phân hóa học đã giúp cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất. Đặc biệt, rất thân thiện với môi trường. Qua phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cải tùa xại, với 150 kg compost kết hợp 70% phân hóa học, lợi nhuận trên 6,8 triệu đồng/1.000m2.
Còn đối với trồng bầu, với 150kg compost kết hợp 85% phân hóa học mang lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/1.000m2. Đối với dưa leo, khi kết hợp 150 kg compost và 70% phân hóa học, cây dưa leo phát triển tốt hơn, cho trái nhiều hơn, to hơn và có màu sáng hơn, lợi nhuận mang lại ước khoảng 12 triệu đồng/1.000m2.
Việc sử dụng CPSH EM, Bokashi để xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, tạo lập sự bền vững cho nông nghiệp và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kết quả cho thấy, từ việc sử dụng compost bón cho cây trồng, đặc biệt là cây màu đã làm tăng độ xốp và khả năng giữ ẩm cho đất, hạn chế thất thoát dinh dưỡng trong đất, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang đang tiến hành sản xuất thử nghiệm phân hữu cơ vi sinh từ sản phẩm compost của các khu xử lý rác sinh hoạt để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện môi trường nông thôn, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Nguyên liệu ủ phân compost chủ yếu là rác thải công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp... Đây là những chất thải hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học hiếu khí dưới sự kiểm soát của con người, quá trình diễn ra giống như trong phân hủy tự nhiên nhưng được bổ sung bởi sự hoạt động của VSV. Từ đó, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí và biến đổi các chất hữu cơ thành chất vô cơ.
CPSH EM (Effective Microorganisms) là VSV hữu hiệu, gồm 70 các VSV có ích và được chia thành 5 nhóm: Nhóm vi khuẩn quang dưỡng, nhóm nấm men, nhóm nấm mốc, nhóm vi khuẩn lên men lactic, nhóm xạ khuẩn. Nhóm CPSH EM được sử dụng rộng rãi trên thế giới, mang lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xử lý môi trường…
Nguồn: báo Vĩnh Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn