Thiết lập quy trình cấp phép thương mại
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, tiến trình đưa cây trồng biến đổi gen (BĐG) vào sản xuất ở nước ta đang có nhiều bất cập. Trong khi đó, tình trạng nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm, nông sản BĐG đã và đang diễn ra tràn lan ở nước ta, khó có thể kiểm soát. Chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý, chưa có những quy định về trình tự khảo nghiệm, cấp phép thương mại hóa đối với loại sản phẩm này.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành các báo cáo khảo nghiệm một số giống ngô BĐG, cấp phép cho sản xuất. Bởi vậy, các sản phẩm ngô BĐG của Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian tới để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Để quản lý tốt hơn loại sản phẩm này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng dự thảo Thông tư “Quy trình trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận (GXN) thực vật BĐG sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”.
Theo ông Doanh, dự thảo thông tư nhằm quản lý, giám sát các sản phẩm BĐG trong tiêu dùng và thương mại, gồm 4 chương, 16 điều. Theo đó, những điểm chính của dự thảo thông tư là, Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan được quyền cấp và thu hồi GXN dựa trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi BĐG. Trong trường hợp đặc biệt, khi chưa có kết luận của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định tạm thời thu hồi GXN. Điều kiện nông sản BĐG được cấp GXN là: đã được Hội đồng thẩm định hồ sơ và kết luận thực phẩm đó không có các rủi ro đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Hoặc là loại nông sản BĐG đó đã được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.
Doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm BĐG muốn đưa vào thương mại kinh doanh phải nộp 3 bộ hồ sơ (1 bản chính và 2 bản sao) về Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký cấp GXN; báo cáo đánh giá rủi ro (kèm theo bản điện tử) của nông sản BĐG với sức khỏe con người và vật nuôi; cùng các tài liệu khoa học tham khảo, các nghiên cứu chưa công bố, số liệu từ các đánh giá, thử nghiệm hoặc các chứng minh khoa học mà tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng làm căn cứ kết luận các thực phẩm này không gây tác động xấu đến sức khỏe của con người, vật nuôi; bản sao công chứng và bản dịch tiếng Việt về văn bản tương đương của cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở các quốc gia khác (nếu có)... Để thực thi nhiệm vụ cấp GXN này, Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi BĐG sẽ được thành lập, do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, các bộ Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Y tế đều có đại diện. Ngoài ra, thành phần còn có các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Để ra quyết định cấp GXN cho một sản phẩm nào đó, hội đồng này phải họp ít nhất 2 phiên. Phiên thứ nhất, đọc báo cáo tóm tắt về tính hợp lệ của hồ sơ và các thành viên của hội đồng cùng phản biện. Phiên họp thứ hai, đọc báo cáo tổng hợp ý kiến công chúng về hồ sơ đăng ký và nhận xét của chuyên gia phản biện, rồi hội đồng thảo luận và bỏ phiếu. Hồ sơ đăng ký phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu đánh giá đạt yêu cầu thì mới được cấp GXN.
Phải thận trọng!
Theo TS.Vũ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (CODEX) tại Việt Nam, nhóm đặc trách CODEX về thực phẩm sản xuất bằng công nghệ sinh học hiện đại do Nhật Bản chủ trì trong nhiều năm qua đã xây dựng tiêu chuẩn, nguyên tắc đối với thực phẩm BĐG. Nhiều văn bản quy chuẩn đã được ban hành, hướng dẫn thực hiện đánh giá an toàn thực phẩm đối với thực phẩm BĐG thuộc các nhóm khác nhau: thực vật, động vật, sinh vật. Việt Nam nên thừa hưởng các quy chuẩn này để đưa vào quy trình quản lý nông sản BĐG. Quản lý loại sản phẩm này cần quan tâm đến khả năng tích lũy chất có hại cho sức khỏe, sử dụng gen kháng thuốc, mức độ phơi nhiễm trong chế độ ăn uống, các ảnh hưởng có thể xảy ra.
PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đánh giá an toàn nông sản BĐG phải minh bạch và trên cơ sở khoa học của các kỹ thuật đánh giá rủi ro đã được thế giới công nhận. Phải hạn chế được tính chủ quan, thành kiến.Trên thế giới, mỗi nước có những quy định khác nhau về quản lý đối với nông sản BĐG. Hoa Kỳ, Australia không yêu cầu sản phẩm BĐG trên thị trường phải được cấp phép; trong khi EU yêu cầu hồ sơ rất phức tạp, khắt khe.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nêu vấn đề, mỗi năm nước ta nhập khẩu hơn 4 triệu tấn ngô và sản phẩm đậu tương để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó 80% là BĐG. Với năng lực chuyên môn ở nước ta, e rằng hội đồng thẩm định này chưa chắc đã làm tốt khâu thẩm định để các sản phẩm BĐG trong nước được cấp phép thuận lợi. Quy định về hồ sơ đòi hỏi quá nhiều thứ giấy tờ, đòi hỏi có cả bản lấy ý kiến công chúng về sản phẩm. Không nước nào lại có bộ hồ sơ yêu cầu hổ lốn như vậy. Thông tư quy định, sản phẩm đã được 5 nước cho phép lưu thông thì Việt Nam sẽ cấp phép sẽ càng tạo điều kiện cho nông sản BĐG nước ngoài tràn vào, mà không tạo điều kiện cho phát triển cây trồng BĐG trong nước.
Ông Lê Tuấn Nghĩa, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Nông nghiệp PTNT) cho rằng, khâu cấp GXN đưa ra nhiều quy định, nhưng quy định về thủ tục thu hồi giấy phép lại rất sơ sài. Nếu một sản phẩm đã được cấp phép, đưa ra thị trường nhưng khi phát hiện có vấn đề về mất an toàn, thu hồi giấy phép sẽ rất khó, thông tư nên quy định cụ thể về những trường hợp này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình lên Chính phủ để được phê duyệt trước khi kết thúc năm 2013.
Chu Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn