PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE): Áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất
Theo các nghiên cứu, một số khí thải như CO2, CH4, N2O thải ra môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mức cao hiện đang góp phần vào hiện tượng nóng lên của toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói riêng và đời sống con người nói chung. Trong các nguồn phát thải thì sản xuất nông nghiệp là tác nhân lớn nhất tạo ra khí Nitơ (N2O > 60%). Theo đó, giải pháp áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là con đường tiên tiến nhất cũng như con đường duy nhất giảm lượng khí thải hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thịnh vượng cho nông dân. Với lĩnh vực thủy sản, vấn đề cần thực hiện là áp dụng các mô hình nuôi trồng thân thiện môi trường, nuôi trồng sinh thái, không sử dụng hóa chất, kháng sinh; sử dụng vi sinh như mô hình nuôi tôm - rừng, tôm - lúa, tôm - cá...
TS Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang: Cần giải pháp phòng bệnh hữu hiệu trên tôm
Kỹ thuật nuôi các hộ nông đân đã được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, tập huấn của Khuyến nông Trung ương và các địa phương. Kết quả xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP được nhân rộng giúp đảm bảo an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội. Kết quả nghiên cứu của các trường, viện về xây dụng mô hình nuôi tôm bền vững, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, công nghệ nuôi tiên tiến... đã theo sát thực tiễn và sẽ giúp cho ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững. Năm 2016, tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ giảm so năm 2015, tuy nhiên vẫn cần nhiều hơn nữa các giải pháp phòng bệnh hữu hiệu. Cùng với những thuận lợi, ngành tôm còn một số bất cập do việc sử dụng các loại hóa chất cấm và kháng sinh vẫn còn rất nhiều.
TS Nguyễn Văn Năm, Tổng giám đốc Công Ty Công Nghệ Hóa Sinh Việt Nam: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Để nuôi tôm bền vững, trước mắt trong năm 2016 cần phải tiến hành đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với: Các cơ sở sản xuất giống và cung ứng giống để tôm giống trên thị trường có nguồn gốc tôm bố mẹ rõ ràng, đã qua quy trình nhân giống đảm bảo chất lượng, không có mầm bệnh mới được lưu thông đến người nuôi; Các cơ sở sản xuất và cung ứng thức ăn để đảm bảo thức ăn đạt chất lượng cần thiết; Các cơ sở sản xuất chế phẩm xử lý và cải tạo môi trường để đảm bảo các sản phẩm này do các cơ sở đầy đủ điều kiện sản xuất.
Tuy nhiên, về lâu dài cần tiến hành cải tạo môi trường ao nuôi lâu năm một cách căn bản bằng các giải pháp an toàn sinh học (phơi khô đáy ao có cày đảo, ngâm nước vôi, xử lý bằng chế phẩm sinh học...). Khôi phục hệ vi sinh có lợi và các động vật phù du trong ao và vùng nuôi; Tổ chức tập huấn và truyên truyền quy trình nuôi tôm sạch và bền vững bằng chế phẩm sinh học, không sử dụng các thuốc kháng sinh, các hóa chất diệt khuẩn, diệt tạp, diệt giáp xác độc hại.
Ông Dương Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giống Thủy sản Dương Hùng: Chú trọng gìn giữ môi trường nước
Trong vài năm gần đây, người nuôi tôm có thói quen hút bùn chuyển ra ao, sông… gây ô nhiễm môi trường nước trầm trọng. Theo đó, bùn càng bị vét sâu, phèn càng lên, tôm nuôi bị bệnh, việc dùng kháng sinh để giảm thiểu lượng tôm chết lại khiến dư lượng thuốc kháng sinh và các chất cấm trong tôm còn nhiều dẫn đến các lô hàng xuất khẩu lần lượt bị trả về. Để khắc phục điều này, biện pháp tốt nhất là nên gia cố bờ bao, sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch các chất hư xấu trong bùn và đặc biệt, không xả bùn ra sông, hồ. Điều đó giúp môi trường nước được giữ sạch, tôm khỏe mạnh, đảm bảo cho việc nuôi tôm về sau được thuận lợi.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh: Áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng
Thời gian gần đây, nuôi tôm công nghiệp bộc lộ nhiều khó khăn... Trong khi đó, các giải pháp nuôi tôm bằng quy trình hóa chất, kháng sinh trước đây chưa mang lại hiệu quả ổn định mà ngược lại, do áp dụng lâu ngày đã làm cho nghề nuôi tôm đứng trước những thách thức lớn về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một số hộ nuôi vẫn còn thiếu ý thức: xả nước thải, nước tôm nhiễm bệnh trực tiếp ra kênh rạch công cộng, ảnh hưởng chung đến vùng nuôi. Tình trạng bồi lắng quá nhanh của các tuyến kênh dẫn đến thiếu nước cục bộ ở một số khu vực; dịch bệnh có xu hướng lây lan mạnh, khó kiểm soát.
Vì vậy, giải pháp nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học và áp dụng những khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm (công nghệ nuôi tôm Biofloc, nuôi tôm VietGAP…) là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung: Giải pháp quản lý từ Nhà nước
Hiện nay, tình trạng một cơ sở sản xuất đăng ký 3 - 5 thương hiệu đang trở thành phong trào ở nhiều nơi; Cùng là một cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hôm nay đóng thương hiệu bán cho bà con nuôi không lớn, hôm sau lại đóng thương hiệu khác. Có những người thành lập ra nhiều thương hiệu tôm giống, nhưng lại không có cơ sở sản xuất chỉ đi thu gom tôm rồi bán cho bà con nên chất lượng khó kiểm soát. Vì vậy, mỗi cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống chỉ được đăng ký một thương hiệu. Và làm được điều này, cần phải có giải pháp mạnh mẽ từ quản lý của cơ quan nhà nước. Về quản lý tôm bố mẹ và cơ sở sản xuất: Yêu cầu cơ sở, doanh nghiệp công bố số lượng định kỳ. Công khai minh bạch và rộng rãi số lượng nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu và những đơn vị sản xuất tôm bố mẹ trong nước. Về số lượng nhập khẩu và số lượng tự gia hóa phải tách bạch rõ ràng.
Ông Trương Hữu Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt: Cần biết phạm vi ranh giới của chính mình
Nuôi tôm thẻ chân trắng đang là xu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Chính vì thế, việc chạy theo sự phấn khích và ham muốn làm giàu nhanh khiến người dân lao vào nuôi theo kiểu công nghiệp (siêu thâm canh), mật độ thả 120 - 300 con/m2 đòi hỏi phải có cơ sở vật chất đầy đủ, kỹ thuật cao, môi trường sống thỏa mãn được điều kiện mà con tôm thẻ cần. Với bà con nông dân mà nói, khó có thể đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó, dẫn đến nuôi tôm thất bại, nhà mất, xe mất, không thể vay vốn ngân hàng được nữa, lâm vào bế tắc... Vì vậy, bà con cần suy xét kỹ lưỡng, nên nuôi quảng canh cải tiến (mật độ 20 - 30 con/m2), không lạm dụng hóa chất và thuốc kháng sinh để bảo vệ môi trường. Bởi, kết quả cuối cùng bà con cần đó là nuôi ra bao nhiêu tiền chứ không phải ra bao nhiêu tôm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn