Mỗi năm các cấp Hội ND trong tỉnh trực tiếp đào tạo nghề cho 1.200 lao động, phối hợp đào tạo nghề cho 3.510 lao động khác. Các lớp dạy nghề được tổ chức học ngay tại địa bàn thôn, xóm; lịch học phù hợp với thời gian nông nhàn để thuận tiện cho học viên.
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (Hội ND Hà Tĩnh) hướng dẫn học viên kỹ thuật tiêm phòng dịch cho gia cầm. Ảnh: T.T
Sau khi tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, các cấp Hội đã phối hợp các ngân hàng tín chấp, ủy thác cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng, mở rộng mô hình; hướng dẫn nông dân thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội phối hợp giúp 82.632 hộ vay 2.664 tỷ đồng từ Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và hơn 15,29 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đứng ra tín chấp cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm.
Hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn và dạy nghề của các cấp Hội ND đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, liên kết. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nay xuất hiện ngày càng nhiều hộ chăn nuôi quy mô hàng hóa. Từ một vài hộ trong một thôn đến nay có thêm nhiều hộ, tổ, nhóm sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Các hoạt động hỗ trợ của Hội góp phần nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh hiện nay lên 443, cùng 874 tổ hợp tác và 7.920 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Ông Trần Đình Gia – Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết, trong năm 2016 và các năm tới, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân; tăng cường các hoạt động phối hợp các doanh nghiệp mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Theo Baodanviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn