Phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao chất lượng hoạt động giúp xã viên thu lợi nhuận kinh tế cao. Đồng thời, chuyển hình thức phục vụ tưới tiêu sang hoạt động đa ngành nghề nhằm tăng thu nhập, phát triển hợp tác xã kiểu mới.
Cung cấp phân bón cho xã viên. Đó là phương thức hoạt động của HTXNN Tân Phú A1, ngụ xã Tân Thạnh, TX Tân Châu, An Giang. HTXNN Tân Phú A1 được thành lập năm 1998, ban đầu có 110 xã viên tham gia. HTX chủ yếu làm dịch vụ tưới tiêu. Khi mới thành lập, vốn điều lệ của HTX chỉ có 110 triệu đồng trong đó lấy hoạt động bơm tưới làm khâu đột phát. Dịch vụ đã phục vụ tốt cho diện tích đất SX của xã viên.
Tiền tưới tiêu xã viên phải thanh toán cho HTX là 35 kg lúa/công/vụ, trong khi tư nhân cung cấp dịch vụ này thu 40 kg/công/vụ. “HTX hỗ trợ 5 kg lúa/công/vụ cho tất cả xã viên. So với bên ngoài, mỗi công lúa tiết kiệm được hơn 25.000 đồng. Từ đó, giúp xã viên an tâm và thu lợi nhuận cao hơn trong quá trình sản xuất vì hạ được giá thành, chi phí đầu tư”, ông Trịnh Văn Dứt, Giám đốc HTX cho biết. Để nâng cao hiệu quả và giúp xã viên tăng thêm thu nhập, HTX có thêm dịch vụ mới như cung ứng phân bón, thuốc BVTV, giống chất lượng cao cho xã viên. Các loại phân bón mà HTX cung cấp gồm urê, DAP, NPK, kali… đều rẻ hơn cửa hàng tại địa phương, sau khi thu hoạch lúa mới thanh toán tiền và không tính thêm lãi suất. HTX còn có 7 công chuyên SX lúa giống OM 6976 và đặt hàng SX lúa xác nhận với giá ưu đãi giúp xã viên có nguồn giống chất lượng, đảm bảo yêu cầu SX.
Hiện HTX Tân Phú A1 đã phát triển hơn 470 xã viên, tổng vốn điều lệ gần 600 triệu đồng phục vụ cho diện tích sản xuất lúa hơn 500ha. Đây là lợi thế để phát huy khả năng liên kết SX và tiêu thụ. Giống chủ yếu được đưa vào SX là IR 50404 và OM 6976, cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha, phù hợp với vùng đất canh tác, ít sâu bệnh. HTX Tân Phú A1 đã thực hiện tốt mô hình cánh đồng lớn với diện tích 260ha, giống OM 6979 cho lợi nhuận cao hơn SX bình thường từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.
Trong đó ký hợp đồng với Cty CP Hóa xuất nhập khẩu Thạnh Phú (An Giang) tiêu thụ lúa với giá bằng hoặc cao hơn giá lúa thị trường nên nông dân không bị ép giá. Những dịch vụ nông nghiệp của HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động là xã viên và hơn 150 lao động theo mùa vụ với các công việc giữ trạm bơm, nạo vét, tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng, thực hiện các dịch vụ khác với thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Anh Dương Thiện Nghĩa, ngụ xã Tân Thạnh có hơn 15 năm làm việc tại HTX cho biết: “HTX có 3 trạm bơm lớn, 2 trạm bơm nhỏ, mỗi trạm bơm sẽ có 1 nhân viên phụ trách giữ và bảo trì, thu nhập hơn 3 triệu/tháng. HTX còn vận động xã viên thực hiện mô hình ứng dụng mô hình sinh thái bằng cách trồng hoa theo các tuyến đường nước như rau nhái, hướng dương, đậu bắp, mè... thu hút thiên địch, giảm việc sử dụng thuốc BVTV, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái".
Nói về định hướng tới ông Trịnh Văn Dứt, Giám đốc HTX cho biết: "Trong thời gian tới HTX sẽ đẩy mạnh việc thực hiện cánh đồng liên kết, SX lúa theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra giúp hạ giá thành, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh.
Vụ HT năm 2016 sẽ thí điểm SX lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị với diện tích từ 30 - 50 ha, đẩy mạnh liên kết 4 nhà từ khâu cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, bảo tiêu sản phẩm để nông dân tăng thêm thu nhập, cũng cố và phát triển HTX bền vững trên con đường hội nhập".
"HTXNN Tân Phú A1 là một trong những lá cờ đầu thực hiện mô hình HTX kiểu mới, phát huy tối đa sức cạnh tranh trên thị trường.Từ những kết quả đó, HTX đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh An Giang về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng mô hình chuỗi liên kết SX, xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình lớn giai đoạn 2011 - 2015".