23:47 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm » Kiến thức quản lý


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Bão ô nhiễm từ nhà máy sắn: Xóa sổ làng cá bè

Thứ năm - 09/10/2014 05:56
Nhà máy sắn xả thải, bã sắn đổ về như lũ quét, cá chết phơi bụng trắng cả mặt sông. Người dân hộ trắng tay, kẻ phá sản. Những làng cá bè ven sông Chảy giờ tan tác đến tiêu điều. Dăm bè cá cũ mục nát sót lại, nằm phơi mình dưới lòng sông cuồn cuộn nước... bẩn
Chị Đỗ Thị Tám xa xăm nhìn về phía bè cá của gia đình

Chị Đỗ Thị Tám xa xăm nhìn về phía bè cá của gia đình

Không ai còn nhớ, nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chảy (Yên Bình – Yên Bái) có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, các xã ven sông Chảy như Đại Minh, Hán Đà từng là nơi trù phú, người dân ấm no nhờ nghề nuôi cá bè. Thế nhưng, đó chỉ là chuyện trước kia.

Cá và nước mắt

Làng cá bè Hán Đà 1, Hán Đà 3 (xã Hán Đà) nằm nép mình bên sông Chảy. Người dân nơi đây vốn có thói quen chài lưới, đánh bắt tôm cá ven sông, lấy đó làm kế sinh nhai. Những năm 2000, Hán Đà rộ lên phong trào nuôi cá lồng bè trên sông. Một hộ, hai hộ, hàng chục hộ tham gia. Lồng nuôi cá đóng từ chính những cây tre mọc ven bờ sông Chảy.

Chị Đinh Thị Thu Huyền, thôn Hán Đà 3 cho biết, năm 2002, gia đình chị bắt đầu đóng bè để nuôi cá. Giống cá được nuôi chủ yếu là trắm cỏ. Loài cá này dễ nuôi, sinh trưởng mạnh lại ít bệnh tật. Ngoài rong rêu tự nhiên, thức ăn duy nhất người dân Hán Đà cho cá ăn là cỏ. Tờ mờ sáng, chị Huyền đã dậy đi cắt cỏ cho cá ăn. Ngày một lần, cắt đủ số cỏ cho cá ăn thì về.

“Nuôi cá bè trên sông thực sự hiệu quả. Chúng tôi nuôi ban đầu chỉ mất tiền đóng lồng bè và cá giống. Còn thức ăn thì tận dụng nguồn cỏ trên đồi, ven sông suối”, chị Huyền nói. Nhận thấy hiệu quả, gia đình chị Huyền đóng thêm vài lồng bè để nuôi cá trắm cỏ. Nuôi từ đầu năm, cuối năm cho thu hoạch.

Dịp gần Tết, cá bán được giá, ai nấy đều phấn khởi. Trừ mọi chi phí, gia đình chị Huyền lãi khoảng 10 triệu đồng/lồng/năm.

Chị Huyền nhớ lại, từ cuối năm 2005 – 2006, dòng sông Chảy bỗng dưng bị ô nhiễm trầm trọng. Nước từ đầu nguồn đổ về đen như bùn, bốc mùi hôi thối. “Hôm đầu tiên nước đen đổ về, đúng dịp hồ thủy điện Thác Bà xả nước nên không sao. Đến hôm thứ hai, thủy điện không xả, nước đen vẫn đổ về, cá bắt đầu chết trắng trong lồng. Đúng vào ban đêm nên phải chịu”, chị Huyền nói giọng đầy xót xa.

Cả tấn cá trắm cỏ, mỗi con 4 – 5 kg nằm phơi bụng trên dòng sông Chảy. Không chỉ cá trong lồng, tôm cá sống ngoài sông cũng chết giãy đành đạch, dạt vào bờ.

Dẫn chúng tôi đi thăm hai bè cá nằm trơ dưới lòng sông, chị Đỗ Thị Tám, thôn Hán Đà 1 không giấu nổi sự tiếc nuối. Nhà chị Tám có thâm niên nuôi cá lồng bè trên sông Chảy gần 5 năm. 3 năm đầu, việc nuôi cá hết sức thuận lợi. Cá trắm đầu năm thả nặng 3 lạng, chăm sóc tốt cuối năm được 4 – 5 kg một con.

Con to được giá, bán 70 nghìn đồng/kg, con nhỏ cũng 60 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, nhà chị kiếm hàng chục triệu đồng từ việc nuôi cá lồng bè. Từ hồi nuôi cá, trong nhà chị Tám đã có thêm cái ti vi, bộ bàn ghế salon, mấy đứa trẻ được đến trường đầy đủ.

Nhưng rồi, nguồn nước sông Chảy bị “đầu độc”, nhà chị đành bỏ nghề, lồng bè cũ cũng chẳng muốn vớt lên. “Nước từ đâu chảy về đen sì, hăng hăng như nước đái bò. Bã sắn nổi lềnh phềnh, phủ đặc mặt sông. Cá trong lồng ngáp ngáp rồi chết trắng. Đứng trên bờ cũng vớt được cả yến tôm, cá chết dạt vào”, chị Tám cho biết.

Theo chị Tám, “thủ phạm” chính là nhà máy chế biến tinh bột sắn đặt tại xã Vũ Linh, đầu nguồn con sông Chảy. Đau đớn, mùa thu hoạch cá lại chính là mùa nhà máy chế biến sắn hoạt động hết công suất.

Năm nào, người dân biết sớm, bán cá “non” thì gỡ gạc đôi chút. Lúc cá chết trắng, cho không ai thèm lấy chứ đừng nghĩ tới chuyện bán chác. Ánh mắt chị Tám xa xăm nhìn về “xác” hai lồng bè cá dập dềnh trên mặt sông. Chị rưng rưng, nước mắt chực trào ra. Buồn lại càng buồn thêm…

Hộ anh Nguyễn Văn Hà, cùng thôn Hán Đà 1 cũng là “nạn nhân” của nhà máy chế biến sắn. Đến nay, anh Hà nuôi cá lồng bè trên sông được gần chục năm. Anh Hà bảo, so với làm ruộng hay trồng ngô, trồng sắn trên nương, nuôi cá bè hiệu quả gấp hàng chục lần. Dễ nuôi, đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, ai chẳng muốn nuôi.

“Nước đen, hôi thối lắm. Bã sắn trôi về 1 – 2 hôm là cá chết sạch. Cứ tháng 11, vào mùa thu hoạch sắn là chúng tôi lại sợ”. Anh Hà tư lự nhẩm tính, rồi lắc đầu bảo tôi, cả xã Hán Đà giờ chẳng còn nhà nào nuôi đâu, trước thì nhiều lắm anh à.

Phá sản trong chớp mắt

Không chỉ Hán Đà, làng cá bè ven sông Chảy xã Đại Minh cũng hứng chịu nguồn nước ô nhiễm từ nhà máy sắn nơi đầu nguồn.

Những bè cá trắm ăm ắp của hai thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến (xã Đại Minh) năm nào, nay đã biến mất trên sông Chảy. Năm 2010, toàn xã Đại Minh có đến gần 40 lồng bè nuôi cá trên sông. Người dân tham gia được UBND huyện Yên Bình hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng. Phong trào nuôi cá bè ở đây lên cao ngút trời. Nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá. Mỗi năm, Đại Minh xuất ra thị trường hàng chục tấn cá trắm cỏ.

Cũng như Hán Đà, cá trắm cỏ ở Đại Minh hoàn toàn được cho ăn cỏ, không sử dụng bất kì loại thức ăn công nghiệp nào. Khi đó, nhắc đến thương hiệu cá sông Hán Đà hay Đại Minh, cánh thương lái đều gật gù bảo miễn chê.

Đột nhiên, nước trên sông Chảy đổi màu, bã sắn ở đâu trôi về nhiều chưa từng thấy. Cá trong lồng, cá ngoài sông đồng loạt chết nổi trắng. Một người dân thôn Khả Lĩnh bùi ngùi, bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình tôi bỗng dưng mất trắng. Nhìn cá chết trắng cả khúc sông mà buốt tận ruột gan. Cá chết hàng tấn, vớt về cho lợn. Lợn ăn nhiều quá cũng quay quay… như người say rượu.

Hộ nhà anh K, thôn Khả Lĩnh gần như tán gia bại sản vì cá bè. Thấy nhiều người nuôi, anh K đi vay mượn được hơn chục triệu của anh em, bạn bè về đóng hai lồng cá. Cá lớn như thổi. Cuối năm, cá chuẩn bị xuất bán, những tưởng quả này phát tài, ai ngờ…

Cá “nuốt” phải nước bẩn từ nhà máy sắn chết không kịp ngáp. Vợ chồng anh K như quỵ ngã bên dòng sông Chảy. Tiền vay làm bè, tiền cá giống chưa trả được một xu, gia đình anh K rơi vào cảnh cùng quẫn. Trong chớp mắt, mọi thứ tưởng chừng có trong tay bỗng trôi tuột xuống theo dòng nước.

10-12-58_2

Những bè cá mục nát, dập dềnh trên mặt sông

Anh K phải bán cả vật dụng trong nhà đi để trả nợ. Khốn khó lại càng thêm khốn khó. Cái “đuôi” nợ nần một lần nữa được nối dài. Riêng năm đó, cả xã Đại Minh thiệt hại vài trăm triệu đồng. Đến nay, số hộ nuôi cá lồng bè trên sông lại trở về con số 0 tròn trĩnh.

Có nhiều “thủ phạm”

Ông Trần Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết, chính quyền xã thực sự rất tiếc nuối vì không giữ được nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chảy. Bởi lẽ, đây là mô hình phát triển kinh tế thực sự hiệu quả. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề này. Giờ mất nghề nuôi cá, họ quay lại chài lưới, làm ruộng nương. Nhưng nước sông ô nhiễm, cá tôm cũng ít, thu nhập chẳng đáng là bao.

“Kế hoạch năm 2015, huyện sẽ nâng mức hỗ trợ cho các hộ dân khôi phục nghề nuôi cá là 5 triệu đồng/lồng. Xã chúng tôi đã đăng kí nuôi 15 lồng. Nếu nước sông vẫn ô nhiễm không thể nuôi, chúng tôi sẽ chuyển vào khu vực lòng hồ Thác Bà. Lác đác đã có một vài hộ đến xã đăng kí nuôi rồi”, ông Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hán Đà thông tin.

Nói về nhà máy chế biến sắn tại xã Vũ Linh, ông Thoa khẳng định, đây là “thủ phạm” chính làm ô nhiễm nước sông Chảy. “Vào mùa sản xuất sắn, nước thải từ nhà máy sắn lại tràn về. Hôm nào đúng đợt thủy điện xả nước thì đỡ. Hôm nào thủy điện không xả, nước cạn thì nước sông ô nhiễm kinh khủng”, ông Thoa nói.

Điệp khúc “xả - chết” năm nào cũng diễn ra như một quy luật tất yếu. Đến nay, làng cá bè trên sông của xã Hán Đà thực sự bị xóa sổ. Theo ông Thoa, ngoài nhà máy chế biến sắn ở xã Vũ Linh, tại xã Vĩnh Kiên cũng đang tồn tại những cơ sở chế biến sắn nhỏ lẻ, xả thải ra sông Chảy. Có nghĩa, tại huyện Yên Bình có nhiều “thủ phạm” đang ngày đêm bức tử sông Chảy và xóa sổ các làng cá bè.

Ông Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết, năm 2009, người dân nuôi cá lồng bè của địa phương được hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng. Nhưng chỉ đến vụ sau thì các hộ đều bỏ nuôi vì nước sông ô nhiễm trầm trọng.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, việc nhà máy sắn đóng tại xã Vũ Linh gây ô nhiễm cho các khu vực xung quanh và sông Chảy là có và đã diễn ra nhiều năm nay. Hiện phía nhà máy đang tiếp tục khắc phục, đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải.

Riêng về việc nước thải của nhà máy này “xóa sổ” những làng cá bè ven sông, việc “đổ” cho nhà máy sắn là chưa đúng. Ông Điển cho rằng, nguyên nhân những làng cá bè bị xóa sổ một phần do nguồn nước thất thường từ hồ thủy điện Thác Bà. Cụ thể, khi thủy điện đóng cửa đập, nước sông Chảy sẽ bị hạ sâu, cạn nước cá sẽ chết!?

Tuy nhiên, theo các hộ dân, việc thủy điện xả nước thất thường có ảnh hưởng tới bè cá nhưng không gây chết. Khi nuôi cá, người dân thường chọn vũng nước sâu để nuôi. Nước hạ thấp, nhưng chỉ một hôm, cá vẫn đủ nước để sống. Hôm sau nước về, bè theo đó mà nổi. Việc nhà máy sắn xả thải làm cá chết hàng loạt là không thể chối cãi! (Hết)

Kế Toại

Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 373

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 370


Hôm nayHôm nay : 53558

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1081208

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72763917