Ảnh minh họa |
Mục tiêu đặt ra là từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng, chủ động xây dựng vùng an toàn dịch cúm gia cầm, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam từ sau năm 2018.
Theo kế hoạch, phấn đấu tập trung khống chế làm giảm số lượng ổ dịch ở vùng nguy cơ cao (đang trong giai đoạn khống chế), đến năm 2015 có 60% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển sang vùng nguy cơ thấp, năm 2018 cả nước có 80% số tỉnh, thành chuyển sang vùng nguy cơ thấp. Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ sẽ sạch bệnh cúm gia cầm vào năm 2018.
Về kinh phí thực hiện, ngân sách trung ương trong 5 năm là 132.804 triệu đồng, trong đó sẽ chi cho 220 triệu liều vắc xin dự phòng chống dịch…
Ngân sách địa phương trong 5 năm là 583.023,3 triệu đồng trong đó kinh phí chi cho tiêm phòng ước tính 260.498,3 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có gia cầm tiêu hủy theo chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là 39.975 triệu đồng…
Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay, cả nước còn 46 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 16 tỉnh, thành phố gồm: Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Nghệ An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hải Dương, Sóc Trăng, Gia Lai, Hưng Yên, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam, Bến Tre.
Các địa phương đang tích cực triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm trong toàn quốc. Các đoàn công tác của Cục Thú y tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Thu Nga
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn