Hướng đi táo bạo
Có lẽ đến giờ phút này, cái tên Lê Đăng Thành (SN 1985, xóm Bình Hải, xã Hương Bình - Hương Khê) chẳng còn xa lạ với người dân miền núi cao. Anh nổi tiếng cũng bởi quyết định nuôi tôm bạc thẻ (thường gọi là tôm thẻ bạc) bằng nước ngọt, mà nhiều người cho rằng anh táo bạo và có phần… gàn dở.
Lê Đăng Thành kiểm tra sự phát triển của tôm. |
Trước khi trở về quê làm giàu bằng ý định “khác người”, anh Thành đã có kinh nghiệm nuôi tôm nước ngọt trong 3 năm công tác tại Công ty Thủy sản nghiên cứu và sản xuất Đất Việt ở Bạc Liêu. Quá trình “nằm vùng” nơi đất khách cho anh thấy mô hình này rất phát triển tại An Giang, Đồng Tháp. Cũng từ đó, ý định nuôi tôm trên mảnh đất quê hương được nhen nhóm.
Được công ty “chống lưng” về giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, anh trở thành chi nhánh nuôi tôm nước ngọt đầu tiên tại Hà Tĩnh. Số vốn 50 triệu đồng được đầu tư để đào ao, sắm máy móc và trang thiết bị. Lứa tôm đầu tiên (giống post 12) được đóng bọc, bơm oxy gửi từ Ninh Hải (Ninh Thuận) về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh chỉ nuôi trong 2 ao nhỏ với diện tích 400 m2 mỗi ao, cứ 50 con/m2 cùng hệ thống quạt máy hoạt động hết công suất nhả oxy.
Nuôi tôm phải đảm bảo tính nghiêm ngặt về mặt thời gian. Mỗi ngày tôm được cho ăn 4 lần, mẻ đầu tiên từ 6h30’ sáng, khi cho ăn phải tắt quạt và theo dõi trong vòng 2 tiếng để căn nhá (thức ăn) cho hợp lý. Các điều kiện môi trường như độ pH, kiềm, khí độc, NH3, oxy hòa tan phải thường xuyên kiểm tra theo chu kỳ 3 ngày/lần.
Môi trường là tiêu chí quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Từ 28-33 độ C được coi là nhiệt độ lý tưởng. Ngặt nỗi, thời tiết khắc nghiệt ở Hương Khê lại chẳng chiều lòng người. Những hôm nắng to lên đến 40-42oC, anh phải thường xuyên châm nước để đảm bảo mực nước cao theo chuẩn 1,2-1,5m. Sau mỗi lần mưa xuống, người thanh niên lại sốt sắng kiểm tra mức giảm của độ pH, độ kiềm. May mắn, các loại dịch bệnh không tồn tại được trong môi trường nước ngọt nên nỗi lo lớn nhất là bệnh đốm trắng và các bệnh về gan tụy được xóa bỏ.
Do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, chỉ sau 2 tháng nuôi, anh Thành buộc phải thu hoạch “non”. Thành quả sau những ngày chăm bẵm đã cho ra đời 3 tạ tôm được bán với giá 100 ngàn đồng/kg. Dù phải thu hoạch sớm nhưng anh đã có thể mỉm cười khi nhận thấy mô hình nuôi tôm nước ngọt đã cho tín hiệu tốt. Theo tính toán, nếu điều kiện thời tiết và các tiêu chí khác thuận lợi, có thể thu được 1 tấn tôm chỉ sau 3 tháng. Mỗi năm chỉ nuôi 3 vụ vào mùa xuân, hạ, thu. Riêng mùa đông đành “gác tay” do thời tiết không đảm bảo.
Trăn trở người tiên phong
Với ý tưởng khác người, anh Thành và gia đình vấp phải không ít sự chế giễu. Có người động viên khích lệ nhưng cũng không ít ý kiến mỉa mai anh gàn dở. “Nhưng đó là động lực để tôi quyết tâm. Trước tiên là nâng cao thu nhập cho gia đình, sau nữa để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Tôi luôn cố gắng hết sức với niềm tin rằng mình sẽ thành công”, anh giãi bày.
Chính từ suy nghĩ tích cực, anh chẳng quản nắng mưa chăm sóc cho “đứa con” của mình một cách tốt nhất. Anh ví nuôi tôm chẳng khác nào nuôi con mọn, bước khởi đầu chẳng bao giờ dễ dàng. Nhiều đêm anh phải túc trực bên ao tôm, cả bố và mẹ cũng thay nhau ra kiểm tra để tránh quạt nước không hoạt động. Do phải vận chuyển xa bằng xe tải nên tỉ lệ con giống bị hao hụt khá nhiều. Anh chỉ muốn khi có điều kiện sẽ vận chuyển bằng máy bay để chất lượng giống được đảm bảo.
Sau lứa đầu tiên, anh Thành đã yên tâm mở rộng diện tích nuôi vào ao 1.000 m2. Ước tính, nếu phát triển tốt, nguồn lợi kinh tế từ nuôi tôm đưa lại gấp 10 lần nuôi cá, hơn 20 lần trồng lúa. Cụ thể, trên diện tích đó nuôi tôm thẻ bạc cho thu nhập lên đến 160 triệu đồng, nếu trừ chi phí cũng đạt 80-100 triệu đồng.
Những giọt mồ hôi mặn chát của người thanh niên trẻ đã được đền đáp khi tôm nước ngọt dần được nhiều người biết đến. Không chỉ ở địa bàn Hương Khê mà khách hàng ở TP Hà Tĩnh và các địa phương lân cận cũng tìm đến đặt hàng. Theo đánh giá, thịt tôm thẻ bạc thơm bùi, dai hơn tôm thẻ chân trắng. Trong quan niệm của người dân, tôm thẻ bạc đặc biệt tốt cho người già và trẻ em.
Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình nuôi tôm nước ngọt của anh Lê Đăng Thành được coi là mô hình điểm trên toàn huyện. Có nguồn giống, thức ăn đảm bảo và đặc biệt không lo về đầu ra nên anh Thành luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những ai có cùng quyết tâm. Và ngọn lửa ước mơ của người thanh niên dũng cảm có cơ hội tỏa sáng hay không còn nhờ vào sự sát cánh của các đoàn thể cùng chính quyền địa phương.
THÙY DƯƠNG - MAI PHƯƠNG/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn