Thời đó, các thương lái người Trung Quốc tìm đến một số cảng cá lớn ở miền Nam rao mua loài cây dương biển.
Ngư dân lúc đó cũng không rõ loài cây này có tác dụng gì nhưng thấy thương lái ra giá rất cao thì ồ ạt đổ đi tìm.
Ông Dương Xuân Duệ kể về thời kỳ huy hoàng săn dương biển của người Kỳ Xuân |
Một trong những người đầu tiên ở xã Kỳ Xuân mở đường cho cuộc săn dương biển là anh Dương Xuân Kha (SN 1978, trú tại thôn Lê Lợi), một thợ lặn có tiếng trong vùng.
Anh Kha thân hình đen sạm, bước đi tập tễnh nở nụ cười hiền khô cho hay, cây dương biển rất khó tìm gặp ở vùng biển Việt Nam nên ngư dân phải sang cả các vùng biển nước ngoài tìm kiếm.
Năm 1997, anh cùng vài người làng vào tận cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) lên thuyền tìm loài cây quý.
Anh Kha cho hay, cây dương biển sống ở độ sâu 50m so với mặt nước biển, rễ bám chặt vào đá hoặc san hô.
Đây là độ sâu khá nguy hiểm, các thợ lặn rất dễ bị nước ép gây tử vong tại chỗ hoặc thương tật suốt đời.
Loài cây này nếu bị tác động nhẹ sẽ trở nên cứng như đá khiến các thợ lặn rất vất vả khi khai thác.
“Săn dương biển khó như rình bắt chim trời. Khi phát hiện dương biển, thợ lặn phải hết sức nhẹ nhàng tiến về phía cây, dồn toàn bộ sức lao vào đạp nó gãy rồi mới đưa được lên mặt biển”, anh Kha kể.
Nhắc lại chuyện săn dương biển, ông Dương Xuân Duệ (SN 1952) cho biết, cuối những năm 1990 là thời hái ra tiền của hàng chục thanh niên trong làng.
Nhiều ngôi nhà khang trang tại thôn Lê Lợi mọc lên nhờ cây dương biển. |
“Lúc đầu chỉ vài người đi, có người mang về hàng chục triệu đồng mỗi chuyến. Con trai tôi cũng đi theo, lúc đó nó kiếm nhiều tiền lắm”, ông Duệ nhớ lại.
Theo ông Duệ, những ngày thường giá dương biển khoảng 2 triệu đồng/kg; thời cao điểm thương lái trả hơn 3 triệu đồng. Rất nhiều người trong thôn Lê Lợi xây nhà đẹp, sắm xe sang sau các chuyến trúng đậm cây dương biển.
Đối mặt tử thần
Anh Dương Xuân Kha cho hay, tính ra anh có hơn chục chuyến vượt biển săn dương biển, có những chuyến anh kiếm được vài chục triệu đồng.
Năm 2001, trong một chuyến đi anh bị nước ép dẫn đến dị tật nên giã từ nghề.
Anh Dương Xuân Kha |
Anh Trần Quốc Nhường (trú thôn Lê Lợi, có gần chục năm đi tìm cây dương biển) cũng cho hay, nghề này kiếm tiền rất dễ nhưng nguy hiểm trăm bề.
Ông Trần Văn Phú, trưởng thôn Lê Lợi nhẩm tính trong thôn từng có hàng chục thanh niên hành nghề này, trong đó nhiều người trở nên giàu có. Hầu hết họ trở về xây nhà to và trở lại nghề đánh bắt cá, cuộc sống rất ổn định. Một số người dùng số tiền đó làm thủ tục xuất khẩu lao động sang nước khác.
Ông Nguyễn Trung Thông, bí thư chi bộ thôn cho biết, mặc dù đây là nghề hái ra tiền, nhưng việc đến các nước khác săn cây dương biển là trái pháp luật.
“Sau khi có một số người bị bắt giữ, người dân hiểu được và ngừng hẳn những cuộc vượt biển trái phép”, ông Thông nói.
Cây dương biển, còn gọi là san hô đen rất quý hiếm thường sống ở vùng nước ấm nhiệt đới, cận nhiệt đới. Cây dương biển có màu đen, vị ngọt, tính bình, hình dáng giống cây thông sống trên cạn, thường cao khoảng 1m, sống sâu dưới đáy biển (50-80m) nên việc săn tìm san hô đen vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Dương biển là dược liệu có thể dùng trong phẫu thuật mắt; chống teo má hàm dùng trong chuyên khoa răng hàm mặt; tạo hình khiếm khuyết xương; ghép ống xương; chữa viêm mũi, viêm xoang; điều trị trĩ ngoại; điều hòa huyết áp… Ngoài ra, loài cây này cũng được sử dụng để chế tác đồ mỹ nghệ dành cho giới quý tộc. |
Theo Báo VietNamNet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn