Vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2016 - 2017, tỉnh Đồng Tháp và 53 doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa tập trung trên diện tích 17 ngàn ha ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, ...
Nông dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2017. Ảnh minh họa: Nam Thái - TTXVN
Vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2016 - 2017, tỉnh Đồng Tháp và 53 doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa tập trung trên diện tích 17 ngàn ha ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thị xã Hồng Ngự. Đáng chú ý, người trồng lúa trong mô hình liên kết này được hưởng lợi từ 150 - 200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình liên kết sản xuất lúa ở Đồng Tháp có nhiều phương thức liên kết được thực hiện.
Theo đó, công ty cử cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác từ khâu chọn giống, gieo sạ, bón phân, phun thuốc... Khi nông dân có nhu cầu sử dụng vật tư, công ty sẽ cung ứng và khấu trừ chi phí này khi thu mua.
Về đầu tư vật tư kết hợp tiêu thụ, công ty hoặc đại lý sẽ đầu tư phân bón trong quá trình sản xuất và chi phí này được khấu trừ khi tiến hành thu mua lúa. Công ty cũng thực hiện phương thức đầu tư vật tư, nhưng không tiêu thụ lúa.
Cụ thể, các công ty tham gia đầu tư vật tư nông nghiệp cho nông dân và khi đến vụ thu hoạch người nông dân sẽ hoàn trả chi phí đầu tư.
Phương thức hỗ trợ tiếp theo là đầu tư, nhưng ký kết hợp đồng tiêu thụ. Cụ thể, các công ty chế biến, xuất khẩu lúa gạo sẽ ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân khi gần đến thời điểm thu hoạch...
Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ góp phần giúp nông dân áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất.
Công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với bên ngoài; nông dân được công ty, doanh nghiệp đầu tư vốn, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật. Do đó lợi nhuận cao hơn so với không thực hiện liên kết (lợi nhuận tăng 1,7 triệu đồng/ha).
Anh Lê Văn Phụng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có diện tích 6 ha sản xuất lúa. Anh liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để nhân giống lúa nguyên chủng loại giống OM 4218, bán với giá cao hơn không liên kết là 800 đồng/kg. Anh Phụng cho biết thêm, anh được Tập đoàn hỗ trợ 30% giống, thuốc bảo vệ thực vật và được mua với giá của đại lý cấp 1.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, trong thời gian tới tỉnh tập trung củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; đông thời thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác ở địa bàn có nhu cầu nhằm thực hiện vai trò làm cầu nối trong việc ký kết hợp đồng giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Theo đó, hợp tác xã làm đầu mối, dẫn dắt nông dân liên kết sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Tiến hành liên kết với doanh nghiệp để rút ngắn và khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho xã viên.
Tỉnh kêu gọi và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư vùng nguyên liệu, gắn kết đầu tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân.
Ngoài ra, tỉnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm, thực hiện đúng những quy định trong hợp đồng. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp - thương lái - nhà vựa - nông dân trong tiêu thụ lúa gạo.
Đồng thời củng cố, phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, các hội, đoàn thể để làm chức năng tổ chức sản xuất, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện trên cùng một cánh đồng và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
Theo Nguyễn Văn Trí/bnews.vn