Được tiếp sức từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nên thời gian qua, trên địa bàn huyện Kỳ Anh, những người nông dân vốn chỉ quen với đồng ruộng, với chân lấm tay bùn đã nhanh nhạy trong tiếp cận với tri thức mới, nguồn vốn mới để đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế gia đình và trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi.
Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Ngọc Tấn ở thôn Tạ Tấn, xã Kỳ Tân theo gót của cha ông tiếp tục thâm canh những sào ruộng để nuôi gia đình mới của mình. Dù đã rất chăm chỉ nhưng đồng ruộng bạc màu, việc canh tác chẳng thu được bao nhiêu so với phí sinh hoạt của gia đình ngày càng cao. Vì vậy, năm 2006 anh Nguyễn Ngọc Tấn đã quyết định vào khu vực Cồn Kho của xã để thực hiện kế hoạch làm ăn riêng của mình. Những ngày đầu khai hoang, hình thành đường đi lối lại rồi cũng qua đi, anh Tấn tập trung cho việc xây dựng khu trang trại của mình. Được xã tạo điều kiện cấp đất trong vòng 50 năm, do không có vốn ban đầu nên anh Tấn đã kiên trì với việc lấy ngắn nuôi dài. Trên khu vực rừng rộng 37 ha, anh Tấn đã nuôi bò và trồng lạc. Anh chỉ thực sự thay đổi hướng phát triển kinh tế kể từ khi cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Nhờ đó, anh đã được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguốn vốn phát triển sản xuất của huyện. Từ số tiền này, anh Tấn đã đầu tư mua máy móc để xây dựng cơ sở thu mua chế biến lạc và chăn nuôi bò với số lượng trên 30 con. Ngoài ra, anh Tấn còn tập trung cho việc trồng keo, sắn, lạc và đặc biệt từ năm 2011, anh đã trồng 4 ha chuối tiêu hồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng tiền lãi và mô hình của anh Tấn trở thành mô hình điển hình cấp tỉnh ở huyện Kỳ Anh. Anh Tấn phấn khởi nói: “Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, tiếp sức cho chúng tôi là sự tạo điều kiện của chính quyền trong các thủ tục đất đai giấy tờ, tiếp cận nguồn vốn cho đến các chương trình về phát triển chăn nuôi, trồng trọt hay là mở rộng sản xuất cũng như cho đi tham quan các mô hình. Đó là sự hỗ trợ hết sức thiết thực, tạo niềm tin cho chúng tôi nỗ lực vươn lên”
Tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai của địa phương, từ năm 1993, ông Nguyễn Đức Hồng ở thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong đã bắt đầu nhận 27 ha đất để trồng rừng và tiến hành mô hình ươm cây lâm nghiệp vừa là để phục vụ cho gia đình và bà con xung quanh. Lúc này việc ươm cây của gia đình chỉ là dựa vào kinh nghiệm của bản thân ông Hồng và sự học hỏi những người đi trước. Mỗi năm trên diện tích 5 ha đất dành cho vườn ươm, ông Hồng đã ươm từ 150 đến 200 vạn cây theo hình thức gieo hạt. Đến năm 2007, ông Hồng đã tiếp cận với cách ươm mới nhưng chưa dám làm nhiều vì không có kiến thức. Năm 2010 khi huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Phong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Hồng đã được cho đi thăm quan mô hình ở nhiều nơi và được tập huấn kiến thức về ươm cây hom. Với cách ươm này khi cây giống đem đi trồng chỉ 5 đến 6 năm là cho thu hoạch, trong khi đó với cách ươm trước đây, phải mất ít nhất 10 năm mới thu hoạch được cây lâm nghiệp. Rút ngắn được thời gian sinh trưởng, cây giống lại có chất lượng nên mô hình ươm cây của gia đình ông Hồng ngày càng thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân đến mua cây. Điều mà ông Hồng luôn cảm thấy vui mừng nhất không chỉ là sự thành công của mình mà quan trọng hơn hết là từ đây ông đã giúp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động trên địa bàn. Mỗi năm từ mô hình của mình đã cho gia đình ông Hồng nguồn thu nhập trên 450 triệu đồng.
Anh Tấn, ông Hồng chỉ là 2 trong số hàng trăm cá nhân điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Kỳ Anh, từ gần 3 năm qua kể từ khi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở đây thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Kỳ Anh nhận thức sâu sắc rằng chỉ khi đời sống hàng ngày của người dân được nâng lên thì việc phát động các phong trào khác và thực hiện các tiêu chí khác mới được thuận lợi. Vì vậy, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách sát thực phù hợp với tình hình cũng như tâm lí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, đã tạo được niềm tin, động lực giúp những người nông dân vốn chỉ biết đến đồng ruộng, vốn chỉ làm theo kinh nghiệm biết tiếp cận với cái mới, với KHKT. Điều đáng nói nữa là khi họ có chí hướng, có quyết tâm, có kiến thức rồi thì huyện Kỳ Anh lại kịp thời tạo điều kiện, có chính sách kích cầu, giải ngân kịp thời các nguồn vốn ưu đãi của cấp trên nên nhân dân có cơ sở để xây dựng các mô hình, các hợp tác xã theo hướng tập trung hàng hóa. Kể từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, trên địa bàn huyện có 642 mô hình sản xuất lớn nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện có 196 mô hình được hưởng chính sách theo Quyết định số 24, 11 của UBND tỉnh và Quyết định 01 của UBND huyện với số tiền 3.225 triệu đồng. Thực hiện Quyết định 26, 03 của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện có thêm 442 hộ và 5 HTX vay vốn tại các tổ chức tín dụng với số tiền 43.227 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã xây mới, nhân rộng được thêm 201 mô hình, trong đó có 59 mô hình cấp tỉnh, huyện (doanh thu từ 200 - 800 triệu đồng/năm), 143 mô hình cấp xã (doanh thu trên 40 triệu đồng/năm). Chính điều đó đã tạo nên những chuyển biến rõ nét ở các xã, thị trấn trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Ông Lê Quang Vị - Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc khẳng định: “Khi xuất hiện được nhiều những điển hình làm kinh tế giỏi đã làm thay đổi tư duy của người nông dân cũng như cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và điều quan trọng nữa là chính điều đó là cơ sở để cấp ủy Đảng, chính quyền mạnh dạn trong việc đưa ra các chủ trương, đặt ra mục tiêu về phát triển kinh tế của địa phương”
Dân có giàu thì nước mới mạnh. Với việc xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình, những mô hình phát triển sản xuất, mô hình chăn nuôi, trồng trọt và sự đa dạng hóa ngành nghề chắc chắn rằng rồi đây sẽ còn có thêm nhiều những điển hình làm kinh tế giỏi vừa làm sung túc thêm đời sống vật chất trong từng gia đình và làm giàu cho quê hương.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Đài PTTH Hà Tĩnh