Mô hình nuôi đà điểu mang lại hiệu quả bước đầu cho gia đình anh Thìn.
Trước khi “bén duyên” với nghề nuôi đà điểu, anh Thìn là một ngư dân chính gốc. Cuộc sống, thu nhập của gia đình luôn gắn liền với biển cả. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển xảy ra đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, khiến cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Kể từ thời điểm đó, anh luôn trăn trở tìm cho mình hướng đi mới nhằm đưa gia đình vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
“Xem trên báo, đài thông tin về hiệu quả của các mô hình nuôi đà điểu, tôi thử tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật nuôi cũng như các thông tin về giá cả, thị trường tiêu thụ. Khi nắm chắc được tất cả các thông tin trên, tôi bàn với vợ quyết định xây dựng chuồng trại với diện tích trên 500 m2 để thử nghiệm nuôi đà điểu” - anh Thìn cho biết.
Tháng 7/2016, sau khi hoàn tất việc xây dựng chuồng trại và các điều kiện về môi trường, anh Thìn thả nuôi 50 con đà điểu giống, với giá trung bình từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/con. Trao đổi với phóng viên về lý do lựa chọn nuôi đà điểu, anh Thìn khẳng định: Đà điểu là mô hình chưa phát triển nhiều ở Hà Tĩnh nên khi nuôi sẽ chưa gặp phải sự cạnh tranh về thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, nó lại lớn rất nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, thóc. Còn kỹ thuật nuôi thì khá đơn giản, chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, cách ly với gia cầm và thủy cầm thì đà điểu sẽ tránh được nguy cơ dịch bệnh.
Để chủ động nguồn thức ăn cho đà điểu, giảm chi phí, vợ chồng anh Thìn bố trí một diện tích đất phù hợp để trồng cỏ xanh, các loại rau màu.
Sau 9 tháng dày công chăm sóc, 50 con đà điểu phát triển tốt. Từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/con giống, đến nay, anh đã xuất bán mỗi con từ 8,5 - 9 triệu đồng, trừ chi phí và công chăm sóc, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh Phan Công Thoàn cho biết: “Đây là mô hình nuôi đà điểu đầu tiên trên địa bàn xã. Qua vụ nuôi đầu tiên cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân sẽ khảo sát, đánh giá lại, nhất là về thị trường tiêu thụ để khuyến khích bà con nhân rộng. Tuy nhiên, để tránh rủi ro thì việc nhân rộng mô hình phải có lộ trình, không tiến hành một cách ồ ạt”.
Ông Phan?Công Thoàn khẳng định, sau sự cố môi trường biển, ngoài việc khuyến khích, động viên bà con cải hoán tàu cá để tiếp tục vươn khơi bám biển, Hội Nông dân xã sẽ tư vấn bà con xây dựng các mô hình cây, con phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi nghề.
Phúc Quang/ Báo Hà Tĩnh