Để không còn đất hoang hóa và phủ xanh vùng cát, người dân các xã vùng biển bãi ngang Triệu Phong đã đưa vào trồng thử nghiệm nhiều cây trồng mới, trong đó có cây mướp đắng. Qua một thời gian cho thấy, cây mướp đắng là cây trồng thích nghi nhanh, cho năng suất và sản lượng cao, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Vì thế, trước đây, ở các xã Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu An chỉ có vài hộ trồng, đến nay mướp đắng đã phát triển ở nhiều hộ. Riêng xã Triệu Vân có 200 hộ trồng với diện tích trên 32ha.
Mướp đắng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, quả và lá tính hàn, mát gan, phòng và chữa bệnh tiểu đường, dễ tiêu thụ. Người dân vùng cát ven biển bãi ngang Triệu Phong đã tận dụng đất cát bạc màu, bổ sung phân hữu cơ, phân vi sinh tạo độ màu mỡ cho đất, trồng mướp đắng xen nén, cà và kiệu. Muốn mướp đắng sai quả, chất lượng tốt, hạn chế sâu bệnh, an toàn thực phẩm, người dân phải trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật: Ban đầu bón phân tận gốc, rễ; sau khi cây đã lên, cứ bón xa gốc dần cho bộ rễ phát triển tốt, chống chịu được với cái nắng khắc nghiệt. Khi mướp lên thì phải làm giàn thật cao ráo. Giai đoạn mướp ra nhánh thì tỉa cành, hái lá tạo sự thông thoáng để giảm sâu bệnh.
Để trồng mướp đắng theo phương pháp an toàn sinh học, các hộ không sử dụng trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật vào cây mà dùng các hộp bẫy sinh học làm từ giấm trộn với đường cô đặc lại, hòa với rượu cho lên men. Hỗn hợp này sau đó được trộn với một chút thuốc bảo vệ thực vật rồi cho vào các hộp nhựa có đục lỗ treo rải rác bên trong các giàn mướp đắng để nhử và tiêu diệt ong bướm chích hút gây hại cho cây và trái mướp. Nhiều hộ dược tập huấn và tuân thủ theo quy trình, kỹ thuật trồng cây mướp đắng đã cho thu nhập ổn định.
Trong quá trình sản xuất, để tận dụng đất, người trồng mướp đã áp dụng các biện pháp luân canh tăng vụ, hoặc kết hợp trồng mướp với các loại cây trồng khác như cà, nén, kiệu... Có hộ trồng vườn từ 5.000 đến 10.000m2 như hộ anh Hồ Hồng Hạnh, ở thôn 9, xã Triệu Vân. Anh đầu tư hệ thống cọc bê tông cao 1,5m, dùng lưới để làm giàn, mướp rất sai quả. Những quả thẳng, đẹp dùng làm thực phẩm; những quả bị cong, vẹo thì xắt khô để làm thuốc, bán hoặc nấu nước uống. Với 1,5 sào trồng mướp đắng, mỗi vụ gia đình anh lãi trên 20 triệu đồng. Ở Triệu Vân còn nhiều gia đình trồng mướp đắng cho thu nhập tương đương hoặc hơn hộ anh Hạnh.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng mướp đắng, anh Hồ Hồng Hạnh cho biết: Mướp đắng trồng khoảng 45 - 60 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 4 - 5 tháng. Cứ khoảng 3 ngày, gia đình anh lại thu hoạch một lần, được trung bình từ 50 – 70kg quả. Nhiều hộ dân ở vùng cát ven biển Triệu Phong phấn khởi trước việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng Văn Anh, thôn 9, xã Triệu Vân chia sẻ: “Cũng giống như nhiều hộ dân ở đây, tôi rất phấn khởi, từ khi tận dụng đất cát bạc màu trồng nén đã phủ xanh đất cát và cho thu nhập ổn định, làm giàu cho gia đình”.
Được hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân đã phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây mướp đắng. Mướp đắng trở thành cây chủ lực và cây trồng thế mạnh của vùng cát. Mô hình trồng mướp đã và đang được nông dân lựa chọn làm hướng đi mới, nó sẽ là cây trồng đầy hứa hẹn mang lại những khởi sắc trên vùng cát trắng ven biển này.
Trong thời gian tới, chính quyền, Hội Nông dân huyện Triệu Phong tiếp tục nhân rộng mô hình trồng mướp đắng để nâng cao hiệu quả, phát triển kinh tế. Mong muốn của các hộ trồng mướp đắng là tiếp tục được tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ cao giúp cho bà con ổn định đầu ra sản phẩm và để sản phẩm có thể len lỏi vào các thị trường khắt khe, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình.
Phương Thiện/ Biên phòng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn