Ông Ơn đang chăm sóc vườn mướp của gia đình
Về phường Ngọc Hà những ngày này, chúng tôi nhận thấy một không khí lao động sản xuất hăng say, bà con đang tích cực chăm sóc những ruộng rau VietGAP xanh tốt. Sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP được bà con bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2013. Rau VietGAP có nghĩa là trồng rau theo những nguyên tắc, trình tự quy định. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Đến thăm nhà ông Nguyễn Danh Ơn ở tổ 9, phường Ngọc Hà khi ông đang dở tay ủ mẻ phân vi sinh cho kịp sản xuất rau vụ Đông. Với kinh nghiệm trồng rau được hơn 40 năm, gia đình ông Ơn có hơn 900 m² đất canh tác; đa số trồng theo mùa và các loại rau ngắn ngày như rau muống, rau cải, rau ngót... Năm 2013, thực hiện chủ trương của tỉnh, ông mạnh dạn chuyển sang sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP và nhận thấy những thuận lợi to lớn. Theo ông Ơn và nhiều bà con trong tổ chia sẻ, từ ngày áp dụng theo mô hình VietGAP, việc sản xuất trở nên bớt nặng nhọc hơn, năng suất lại cao. Với việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu tự động đã giúp giải phóng sức lao động. Trước đây để tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho 1 sào rau thì phải mất 2 công gánh nước. Nhưng giờ chỉ trong 1 tiếng là xong và giữ được độ ẩm lâu. Thay vì tốn thời gian gánh nước như trước đây bà con chuyển sang làm việc khác. Ông Ơn chia sẻ thêm: “Trồng rau VietGAP là phải dùng phân ủ vi sinh, trồng rau tốt hơn và còn tận dụng được những chế phẩm như cây rau, cây lạc hay dây mướp để ủ”. Từ ngày trồng rau theo mô hình VietGAP đời sống của gia đình ông Ơn cũng như nhiều hộ dân trong tổ được nâng lên. Nhà ông Ơn hiện có 3 lao động chính, sau khi trừ tất cả chi phí ông cũng thu về được hơn 80 triệu đồng/năm. Ông đã xây được một ngôi nhà vững chắc và mua sắm đầy đủ trang thiết bị cho gia đình, nuôi con học đại học.Sung túc và khá đầy đủ cũng là hình ảnh chúng tôi nhìn thấy ở gia đình chị Nguyễn Thị Tập. Gia đình chị vừa kết hợp nuôi hơn 30 con lợn và trồng rau. Các chất thải chị dùng để ủ phân vi sinh, vừa bảo vệ môi trường, trồng rau lại đỡ bị sâu bệnh và tốt hơn. Chị Tập chia sẻ: “Nhà chị có gần 1000 m² đất canh tác, mùa này chị trồng chủ yếu là mướp, vừa bán quả lại bán được cả ngọn; cây mướp lại sống dai, trồng mướp bằng 3-4 lứa rau khác. Giá mướp bình quân tại vườn chị bán được khoảng 12 nghìn đồng/kg, cuối vụ chị ước tính thu được hơn 30 triệu đồng tiền mướp, đó là chưa kể tiền bán ngọn”.
Ở Tổ 9, phường Ngọc Hà hiện có 125 hộ thì có 70 hộ trồng rau và đều theo mô hình VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ trồng rau VietGAP cho biết: “Ở đây có truyền thống trồng rau đã từ lâu, tuy nhiên từ khi trồng rau VietGAP, đời sống của bà con mới tăng lên rõ rệt. Số hộ nghèo đã giảm nhanh nhờ trồng rau VietGAP, tổ chỉ còn 5 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Đa số bà con đều có ý thức trong việc thực hiện quy trình trồng rau sạch và ký cam kết đảm bảo rau an toàn. Rau được tiêu thụ ở các cửa hàng bán rau VietGAP tại trung tâm thành phố và HTX Ngọc Khánh thu mua. Sản xuất ra bằng nào là hết bằng ấy chứ không sợ ế rau bao giờ”. Do đó, đầu ra của rau VietGAP rất đảm bảo, thậm chí cung còn không đủ cầu.Hiện nay, do nhu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao nên rau VietGAP ngày càng “hút khách”. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, rau VietGAP tại Hà Giang chưa được phân biệt rõ ràng, người mua không biết được đâu là rau VietGAP. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Giang cho biết: “Diện tích rau VietGAP của thành phố là 12,6 ha, sản lượng 1.185 tấn/năm. Về chất lượng đã được nhiều đoàn của Trung ương về đánh giá là đạt tiêu chuẩn hiện hành. Rau của chúng ta có chất lượng cao, đảm bảo, cái thiếu ở đây đó là chưa có thương hiệu. Đây cũng là điều trăn trở của nhiều người dân trồng rau VietGAP và UBND thành phố”. Để giải quyết khó khăn này, được biết Phòng Kinh tế thành phố đang tiến hành Dự án: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn thành phố Hà Giang”. Đây được xem là dự án góp phần phát triển KT-XH, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo sảm phẩm có chất lượng sạch đến tay người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau của Hà Giang; dự án này, đang trong giai đoạn thực hiện và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành. Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Ngọc Hà chỉ là một điển hình trong nhiều vùng trồng rau theo mô hình này của thành phố Hà Giang. Không thể phủ nhận là đời sống của bà con không ngừng được nâng lên, Ngọc Hà đang thay da đổi thịt từng ngày. Điều quan trọng hơn cả là mô hình tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người dân trong sản xuất rau an toàn, chất lượng.
Nguồn: baohagiang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn