Anh Huy bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng hữu cơ từ năm 2013 tại xã Cam Đường, TP Lào Cai. Anh mất hai năm chuẩn bị mặt bằng, gồm khu vực chuồng nuôi, vùng trồng cỏ voi, cây chè khổng lồ, ao cá… trên diện tích 3ha. Bao quanh trang trại là vùng đồi 4ha trồng chuối và cây ăn quả, vừa tạo vùng đệm cách ly trang trại với bên ngoài, vừa tăng thêm thu nhập và thức ăn cho lợn.
Năm 2016, anh bắt tay vào chăn nuôi lứa lợn rừng đầu tiên. Từ 60 con giống ban đầu nay đã nhân lên thành đàn lợn hơn 900 con. Dịp Tết này, anh sẽ xuất 100-200 con ra thị trường. Giá lợn hơi tại chuồng đạt 100-120.000 đồng mỗi kg.
Anh Huy cho biết, giai đoạn xây dựng và gây giống đàn lợn đã hoàn thiện. Năm 2018, trang trại sẽ đi vào sản xuất ổn định, dự kiến mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000-1.500 con lợn rừng.
Mô hình nuôi lợn rừng tại trang trại Tâm Đức
So với các giống lợn nuôi thông thường, lợn rừng có sức đề kháng tốt, bì lợn giòn, ít mỡ, nhiều nạc, thịt không hôi, không mềm, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá lợn rừng ít chịu ảnh hưởng bởi thị trường thịt hơi, đặc biệt là khi chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Vì vậy, mặc dù kích cỡ nhỏ hơn và thời gian nuôi tương đối dài, song ngày càng nhiều nông dân đầu tư vào mô hình chăn nuôi này.
Trước khi đầu tư làm trang trại, anh Huy đã đi tìm hiểu, tham quan nhiều mô hình chăn nuôi lợn. Anh nhận thấy giống lợn rừng Thái Lan nhập từ trang trại Hoa Viên hợp với địa hình và khí hậu Lào Cai. Chúng có mõn nhọn, lông vàng và sức đề kháng tốt.
Thay vì sử dụng thức ăn có tỷ lệ tinh bột cao, lợn chóng lớn nhưng nhiều mỡ và chất lượng thịt kém, anh Huy chấp nhận thời gian nuôi kéo dài gấp 1,2-1,5 lần so với lợn rừng nuôi thông thường. Thức ăn chính gồm cỏ voi, chuối, giống chè khổng lồ bản địa.
Khu vực trồng cỏ voi được thiết kế ngay trong trang trại để thuận tiện vận chuyển thức ăn tươi thẳng đến chuồng. Mỗi ngày lợn được ăn 2 bữa cỏ, ngoài ra còn dùng cám ngô, cám mạch trộn cùng bã đậu và men vi sinh ủ 1-2 ngày cùng men vi sinh.
Anh Huy cho biết, lợn rừng thích dũi đất, nên trước khi cho ăn phải dọn sạch sẽ nền chuồng. Nước uống lấy từ nguồn nước ngầm chảy từ trên núi xuống, đảm bảo an toàn.
|
Đàn lợn giống 60 con được anh Huy nhân lên hơn 900 con. Ảnh: Bizmedia |
Xung quanh chuồng, anh trồng chanh dây làm bóng mát cho lợn và có thêm trái cây thu hoạch. Phân lợn thường được hót khô để đem ủ nuôi giun quế, sau đó lấy giun quế quay trở lại làm thức ăn cho lợn. Công việc dọn dẹp phân và xịt rửa chuồng trại được các công nhân thực hiện hàng ngày.
Đến nay, đàn lợn chưa phải dùng kháng sinh. Công nhân cho lợn ăn thêm kết hợp cây đinh lăng, hoàn ngọc, nhọ nồi… trồng ngay trong trang trại để tăng sức đề kháng.
Bảo Hà/vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn