Nhận thấy dê dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và có khách hàng, ông Trần Bá Thư ở tỉnh Kon Tum đã bán đàn bò và chuyển sang nuôi dê, thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Ông Thư bên đàn dê nhốt chuồng
Quê ở H.Nghi Lộc (Nghệ An), từng đi bộ đội đóng quân ở tỉnh Kon Tum nên sau khi xuất ngũ, ông Thư (45 tuổi) ở lại nơi này lập nghiệp với nhiều nghề khác nhau. Khi mua 2.000 m2 đất ở thôn 4, xã Đăk Mar, H.Đăk Hà, dự định ban đầu của ông là làm sân phơi cà phê, nhưng thấy không có lợi nên chuyển sang nuôi bò. Tuy nhiên, thấy nuôi bò vất vả, lời lãi không được là bao, ông quyết định chuyển sang nuôi dê.
Vào đầu năm 2015, ông Thư bán đàn bò được 70 triệu đồng, thêm vốn vào cải tạo trại nuôi bò thành trại nuôi dê nhốt chuồng với số lượng ban đầu là 30 con. Trại rộng gần 300 m2, xung quanh gió thoáng mát, được phân chia thành từng khu vực: nuôi dê thịt, dê giống và dê con vừa cai sữa, chưa kể những khu vực sân bỏ trống để dê đi dạo. Trại dê được làm sàn bằng gỗ, cách mặt đất từ 0,8 – 1,2 m, để dễ làm vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa bệnh tật cho dê, nhất là vào mùa mưa dễ phát sinh nhiều bệnh tật.
Hỏi vì sao không nuôi thả rông như người ta, ông Thư cho biết do không có điểm chăn thả và nếu chăn thả cũng không an toàn, sợ dê bị bệnh khi ăn nhầm các loại cỏ cây mà người làm nông nghiệpphun thuốc hóa học. Tuy nhiên, để nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả, ông đã mất nhiều tháng đọc các tài liệu liên quan, đặc tính từng loài dê ngoại nhập, dê lai tạp và dê trong nước, sau đó tìm giống thích hợp khí hậu bắc Tây nguyên. Đó là chưa kể việc ông đi tham quan các mô hình nuôi nhốt trong nước, được tư vấn thú y và kỹ thuật chăn nuôi từ những người có kinh nghiệm.
Cùng với những khâu nói trên, ông Thư tuyển chọn giống cỏ sữa, cỏ voi nhập từ Thái Lan trồng trên 7.000 m2. Hiện tại, diện tích cỏ này chưa đáp ứng đủ quanh năm cho đàn dê, nên ông phải đi mua và cho ăn thêm bắp, chuối, rau lang, lá mít, bơ… Đây là nguồn dinh dưỡng chất lượng. Vì vậy, từ khi nuôi đến nay, đàn dê phát triển tốt. “Giống dê này nếu nuôi tốt và đảm bảo dinh dưỡng, có thể đạt 160 kg/con. Hiện tại, trại dê của tôi có nhiều con đạt trên 80 kg/con”, ông Thư nói.
Gần 2 năm nuôi, đàn dê ông Thư đã tăng từ 30 con lên 100 con. Đó là chưa kể hơn 200 con đã được xuất chuồng bán thịt và bán giống. Với dê bán giống, ông nói thị trường ưa chuộng chừng 30 – 40 kg/con, đã mang thai và là dê tơ, ông bán giá 150.000 đồng/kg. Riêng dê thịt, bán con trưởng thành loại 20 kg/con trở lên, giá 140.000 – 150.000 đồng/kg. “Nếu nhà hàng đặt dê, tôi làm sẵn và bán giá từ 350.000 đồng/kg”, ông Thư cho hay. Với cách nuôi và bán kiểu này, một năm qua, ông đã lãi 200 triệu đồng. Thị trường hiện giờ không chỉ ở địa phương mà còn ở ngoài huyện và một số tỉnh thành lân cận.
Nuôi dê nhốt chuồng như ông Thư còn có cái lợi nữa là nguồn phân dê mỗi tháng cho chừng 3,5 m3, vừa bón cho cây trồng và bán ra thị trường, thu khoảng 4 triệu đồng/tháng. Bên dưới các sàn nuôi dê, ông còn nuôi gà, vịt, ngỗng. “Sau gần 2 năm nuôi dê, tôi đã biết nhìn con dê giống như thế nào là tốt. Ấy là lông phải mềm, suông, không xù xì; sờ vào bầu sữa thấy mềm và mát. Sắp tới, tôi mở rộng trại phát triển thêm đàn dê của gia đình và sẽ nghiên cứu đầu tư nuôi dê lấy sữa”, ông Thư hồ hởi.
Bạn đọc có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, có thể liên hệ ông Thư qua số điện thoại 01667568557.
Phạm Anh
Nguồn: nghenong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn