Ông Đào Văn Khánh, Bí thư đảng ủy xã Phú Lộc phấn khởi cho biết: “Đây là mô hình hoàn toàn mới, lợi nhuận cao từ 3-4 lần so với trồng lúa truyền thống. Người trồng khổ qua rừng được cung cấp giống sạch bệnh; được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và được bao tiêu sản phẩm…”.
Người dân ấp Phú Tân, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có thu nhập từ trồng khổ qua rừng cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa trước kia.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc công ty TNHH Khổ Qua Rừng Tây Nam bộ-người đưa khổ qua rừng về ấp Phú Tân cho biết, “Tình cờ phát hiện ra những ưu điểm của giống khổ qua rừng tại tỉnh Đồng Nai có thể hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu nên tôi bắt đầu nghiên cứu đầu tư trồng loại cây này ở nhiều tỉnh, thành như Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...".
Ở ấp Phú Tân, xã Tam Bình, chị Thoa đang đầu tư trên diện tích 15 công đất từ đầu năm 2017 cho kết quả rất khả quan. Đây sẽ là 1 trong những vùng nguyên liệu khổ qua rừng quan trọng để chúng tôi thu mua chế biến trà khổ qua rừng và các loại dược phẩm khác…”.
Bình quân, cứ 15-20 ngày, nông dân có thể thu hái được 1 lứa trái khổ qua rừng để sơ chế làm dược liệu.
Để có nguyên liệu khổ qua rừng chất lượng cao đòi hỏi sự chăm sóc rất chặt chẽ của người trồng như không sử dụng phân bón hóa học mà dùng phân vi sinh, hữu cơ. Sau khoảng 60 ngày xuống giống thì dây khổ qua rừng cho trái. Mỗi ký khổ qua rừng có từ 50-60 trái có màu sắc đẹp. Mỗi kỳ thu hoạch trái cách nhau từ 15-20 ngày.
Thời gian thu hoạch 1 vụ khổ qua rừng kéo dài từ 3-4 tháng. Sau thời gian này, người trồng sẽ cắt cả dây khổ qua rừng làm nguyên liệu chế biến cùng với trái. Tất cả nguyên liệu sẽ được phơi khô, sấy khô, xắt nhuyễn bằng máy rồi được vận chuyển về nhà máy chế biến dược liệu của công ty.
Toàn bộ các bộ phận của cây khổ qua rừng, từ dây, quả, lá đều có thể thu hoạch để sơ chế làm nguồn dược liệu.
Ông Lương Thế Nghiệp, người đang trực tiếp quan lý mô hình nầy tại ấp Phú Tân, xã Phú Lộc cho hay: “Doanh nghiệp thuê đất của nông dân với giá 3,5 triệu/ công/năm. Cạnh đó chủ đất được ưu tiên là lao động làm việc tại mô hình với giá trị ngày công từ 120-180.000 đồng/người. Cách làm này được người dân đồng thuận vì đảm bảo được việc làm, thu nhập…”.
Ông Nghiệp cho biết thêm, doanh nghiệp chúng tôi dự kiến mở rộng quy mô trồng thêm 100 công khổ qua rừng ở ấp Phú Tân nhưng đòi hỏi lớn nhất là các hộ tham gia mô phải có sân phơi đạt chuẩn, người trồng ngoài yếu tố cần cù phải có thêm kiến thức kỹ thuật về trồng loại khổ qua rừng.
Theo Phan Thị Anh Thư/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn