Mong muốn chăn nuôi đà điểu trở thành "nghề" để người dân có thể phát triển kinh tế bền vững, anh Nguyễn Văn Chung thôn Tân Mỹ, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã mạnh dạn đầu tư mô hình này.
Mong muốn chăn nuôi đà điểu trở thành "nghề" để người dân có thể phát triển kinh tế bền vững, anh Nguyễn Văn Chung thôn Tân Mỹ, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã mạnh dạn đầu tư mô hình này. Theo đó, anh đã thực hiện cung ứng con giống và mở cửa hàng bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ nông dân nuôi đà điểu trong vùng.
Khu chăn nuôi đà điểu của gia đình anh Nguyễn Văn Chung.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất chuyên nuôi bò sữa, nhưng anh Nguyễn Văn Chung lại quyết định chọn đà điểu để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2007, trên diện tích 1.000m2 đất vườn, anh Chung mua 50 con đà điểu tại Trung tâm nghiên cứu đà điểu xã Vân Hòa về nuôi. Với giá 2,7 triệu đồng một con, anh phải bỏ ra 135 triệu đồng, đây là số tiến lớn đối với một nông dân lúc bấy giờ. Sau 2 năm đầu tư chăn nuôi anh thấy rằng, đà điểu là loài vật dễ nuôi, không có dịch bệnh, lớn nhanh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… Theo anh Chung, khó khăn nhất lúc bấy giờ là đầu ra cho sản phẩm. Bây giờ, nhiều người dùng thịt đà điểu để chế biến thức ăn vì thịt của chúng ngon và là sản phẩm sạch. Nhưng những năm trước, thịt đà điểu được coi như một thứ đặc sản, chỉ có ở các nhà hàng trên TP lớn tiêu thụ nên đầu ra vô cùng khó khăn. "Đà điểu không bán được nhưng hàng ngày vẫn phải chăm sóc và cho chúng ăn. Trang trại bị thua lỗ nặng, nhiều người ái ngại đã nghĩ chắc có lẽ tôi phải bỏ cuộc. Nhưng tôi lại nghĩ, đã chăn nuôi phải tạo thành "nghề" thì mới phát triển được" - anh Chung chia sẻ. Gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng anh vẫn quyết tâm làm. Bởi đà điểu là loài vật khỏe, chưa dịch bệnh nào có thể chạm được tới chúng, thức ăn lại dễ kiếm. Hơn nữa, Ba Vì có rất nhiều thắng cảnh đẹp thu hút du khách tới tham quan, nên có thể tranh thủ giới thiệu sản phẩm và bán cho khách du lịch. Nghĩ là làm, anh bàn với vợ rồi mở cửa hàng tự tiêu thụ sản phẩm. Lúc đầu, khách hàng chủ yếu là người quen đến mua và lác đác một vài khách du lịch. Thịt đà điểu ngon và dễ chế biến món ăn nên dần dần chiếm được thị phần, cửa hàng nhà anh Chung ngày càng đông khách. Lấy chữ tín làm đầu trong kinh doanh, thịt đà điểu cửa hàng nhà anh Chung lúc nào cũng tươi ngon, nên chỉ một năm sau, khách đặt nhiều, đà điểu nuôi tại trang trại nhà anh rồi các trang trại lân cận vẫn không đủ cung cấp. Anh Chung lại lặn lội vào tận miền Trung, miền Nam nhập đà điểu về thịt bán. Đặc biệt, vào khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, khách mua nhiều làm quà biếu, gia đình anh còn làm thêm cả giò đà điểu, hàng ngày bán cả thịt tươi và giò với số lượng lớn. Cứ như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng. Để chủ động nguồn hàng cung cấp, từ năm 2012, anh Chung đã nhập con giống một ngày tuổi về nuôi trong vòng 2 tháng. Trong khoảng thời gian này, đà điểu được anh tiêm phòng đầy đủ, đạt trọng lượng từ 7 - 10kg, anh cung cấp con giống cho các trang trại quanh vùng và nhiều tỉnh khu vực phía Bắc theo giá 2,5 triệu đồng một con. Đồng thời, nhận bao tiêu sản phẩm cho tất cả các hộ chăn nuôi đà điểu nhập giống từ trang trại nhà mình. Hiện tại, trang trại nhà anh chỉ duy trì từ 40 - 50 con đà điểu, anh nuôi với số lượng nhỏ như vậy để tập trung nuôi con giống, đồng thời để có thể bao tiêu đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi khác. Hàng năm, anh Chung đã giúp 30 lao động có việc làm và giúp đỡ một số hộ nghèo. Mong muốn lớn nhất của anh là nuôi đà điểu sẽ trở thành nghề ở Ba Vì để nhiều người dân có thể vươn lên làm giàu bền vững.