Năm 2013, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Văn Tùng về quê phát triển kinh tế, Tuy còn trẻ, nhưng anh Tùng luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Qua chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng” giới thiệu về mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại tỉnh Ninh Bình cho hiệu quả kinh tế cao, Nguyễn Văn Tùng quyết định “khăn gói” về Ninh Bình tìm hiểu và học nghề. Sau gần 2 năm kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm anh trở về quê nhà bắt đầu khởi nghiệp.
Công đoạn cấy phôi vào trai được anh Nguyễn Văn Tùng thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận để cho ra sản phẩm chất lượng. Ảnh: Trà Hương
Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi trai trở về, tôi bắt đầu xây dựng trang trại nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trên 2 sào ao và nuôi gần 1.000 con trai đã được cấy ngọc. Học là một chuyện, khi bắt tay vào việc mới thấy nhiều khó khăn như: Thời tiết, môi trường nước, nguồn trai giống… Tuy nhiên, những khó khăn đó cũng dần được khắc phục”.
Giữa tháng 5/2017, anh Tùng đã thu hoạch lứa ngọc trai đầu tiên, với hơn 500 con trai, cho thu 1.000 viên ngọc, với giá bán từ 200.000 - 400.000 đồng/viên, trừ chi phí anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Theo anh Tùng: Thời gian nuôi thả trai cấy ngọc vào khoảng 2 năm, trung bình 1 con trai cấy 2 viên ngọc. Tỷ lệ cấy thành công 60 - 70%, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước ao nuôi và nhiệt độ thời tiết từng năm. Kỹ thuật ghép ngọc trai được thực hiện rất cẩn thận để trai sạch sẽ và không bị nhiễm khuẩn giúp tỷ lệ trai ngậm nhân cao. Chi phí một con trai để nuôi và cấy ghép chỉ hết 35.000 - 40.000 đồng.
Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình từ 200 - 500.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 - 4 triệu đồng và có thể cao hơn nữa.
Anh Nguyễn Văn Tùng đang cấy phôi vào trai nước ngọt để nuôi thành ngọc.
Sau 2 năm nuôi trai lấy ngọc, đến nay cơ sở nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc của anh Tùng được mở rộng diện tích lên 2ha mặt nước, với gần 10.000 con trai được nuôi. Sản phẩm ngọc trai thu hoạch được phân làm sáu loại từ loại 1-5 và loại ngọc tự nhiên, trong đó có viên ngọc trị giá lên đến 6 triệu đồng.
So sánh 2 loại ngọc trai nuôi nước mặn và nuôi nước ngọt, anh Tùng cho biết: “Ngọc trai nuôi nước mặn và nước ngọt cơ bản chất lượng như nhau. Tuy nhiên, màu sắc của ngọc trai nuôi nước ngọt có thêm màu tím và đồng, đây là 2 màu mà trai nuôi nước mặn không có”.
Nuôi trai lấy ngọc cho giá trị kinh tế cao, mức độ tận dụng tối đa, ngoài sản phẩm chính là ngọc, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.
Theo anh Tùng, nuôi trai có thể gối vụ nên một năm có thể gối nhiều vụ. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, mỗi năm, người nuôi có thể cho thu lãi hàng tỷ đồng.
Hiện tại, sản phẩm ngọc trai của anh Tùng được xuất khẩu sang các nước như: Ấn Độ, Nhật Bản và tiêu thụ tại một số thành phố lớn của nước ta. Nói về dự định trong tương lai, anh Tùng phấn khởi cho biết: “tôi sẽ mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm ngọc trai tại các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên nhằm quảng bá, đưa ngọc trai thành món quà đặc trưng của du lịch Vĩnh Phúc”.
Đánh giá về mô hình nuôi, cấy trai lấy ngọc của anh Tùng, ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo (Tam Dương) cho biết: “Mô hình nuôi ngọc trai nước ngọt là mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện nhân rộng hơn mô hình này”. Mô hình nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng đã được Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ tham quan, khảo sát và đánh giá cao. Để có điều kiện phát triển mô hình, anh Tùng mong muốn, thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để mở rộng diện tích. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống và kỹ thuật cho những bà con nông dân quan tâm đến nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn