Từ Gia Lai, ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi, ở xã Kon Gang, H.Đăk Đoa) lặn lội ra Nghệ An mua giống cam Vinh mọng nước rồi đem về trồng thử nghiệm và đạt hiệu quả cao.
Năm 2012, ông Đô từ Bắc Giang đưa gia đình vào Gia Lai lập nghiệp. Thấy vùng đất ruộng rộng rãi mà bị bỏ hoang nên ông nảy ra ý tưởng đưa giống cam Vinh về trồng thử nghiệm. Ông Đô ra TP.Vinh mua 200 gốc cam về trồng, sau một thời gian thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên đã quyết định mở rộng diện tích ra hơn 1 ha.
Theo ông Đô, để có được vườn cam đạt chất lượng, phải cẩn thận ngay từ khâu chọn giống. “Chọn những cây giống sạch bệnh, sinh trưởng và phát triển mạnh, tuyệt đối không nên lựa những cây vàng lá, thân yếu... Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú ý hệ thống kênh mương thoát nước, trong vườn mùa hè luôn phải ẩm, còn mùa đông phải ráo nước tránh tình trạng cây bị úng”, ông Đô chia sẻ.
Những loại bệnh mà cây cam thường mắc phải là sâu nhện đỏ, xì mù và vàng lá. Với những loại bệnh dịch gây hại này, ông Đô khuyến cáo không nên dùng thuốc hóa học mà phải tăng cường các loại thuốc vô cơ, các sản phẩm sinh học để tránh lây lan mầm bệnh.
Bên cạnh việc chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật cho khu vườn của mình, ông Đô còn đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm về truyền đạt lại cho người dân quanh vùng, với mong muốn xây dựng vùng cây ăn quả đạt chất lượng. Hiện tại, ông cũng đang ươm khoảng 13.000 gốc bưởi để tiến hành cắt ghép giống cam Vinh đưa lên H.Chư Prông (Gia Lai) cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vùng này.
Nhờ sự kiên trì, mạnh dạn thử thách với mảnh đất mới, ông Đô hiện có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm từ cây cam Vinh.
Theo thanhnien.vn