Chăn nuôi heo tại hộ gia đình (huyện Hồng Dân). Ảnh: L.D
Để phát triển chăn nuôi, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức quy hoạch vùng nuôi. Trong đó, vùng chăn nuôi heo, gia cầm được bố trí ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A. Vùng chăn nuôi bò ở TP. Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông) và ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Vùng nuôi cá sấu ở tất cả các địa bàn trong tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển mạnh ở các huyện Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải và TX. Giá Rai. Vùng nuôi chim yến ở khu vực ven biển, dọc theo tuyến đê biển Bạc Liêu, bờ Bắc đê Trường Sơn; tuyến lộ bờ Tây kênh 30/4; hai bên kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn giáp ranh xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi); hai bên tuyến đường Nam sông Hậu (đoạn từ cầu Rạch Thăng đến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng). Tuy khu vực từng đối tượng nuôi đã được quy hoạch, nhưng vẫn còn tình trạng chăn nuôi heo, chim yến trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua các mô hình chăn nuôi phát huy được hiệu quả đầu tư, chủ động về thị trường đầu ra và sản xuất có lãi, chủ yếu tập trung ở mô hình chăn nuôi trang trại có liên kết. Đơn cử như mô hình chăn nuôi heo của Hợp tác xã (HTX) Kinh Tế Xanh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) theo công nghệ khép kín và sản xuất theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. HTX Kinh Tế Xanh liên kết sản xuất với Công ty CP, được Công ty CP đầu tư từ khâu cung cấp con giống, thức ăn và cả quy trình kỹ thuật, tạo sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Để cung cấp nguồn nguyên liệu, HTX Kinh Tế Xanh còn thành lập cửa hàng kinh doanh thịt heo tươi tại chợ phường 1 (TP. Bạc Liêu). Đây được xem là cửa hàng thịt heo đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi (từ khâu sản xuất đầu vào đến đầu ra). Còn ở huyện Phước Long, hộ ông Huỳnh Minh Ngữ cũng phát triển trang trại chăn nuôi heo và mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Theo thống kê, mỗi năm ngành Chăn nuôi cung cấp cho thị trường gần 40.000 tấn thịt hơi và trên 50 triệu quả trứng gia cầm. Từ đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh và xuất ra các tỉnh khác. Qua đó giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho hàng trăm lao động ở vùng nông thôn.
Với những lợi ích thiết thực mang lại và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, phát triển chăn nuôi bền vững, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích nông dân phát triển mô hình chăn nuôi trang trại, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, liên kết chuỗi, từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang phát triển chăn nuôi tập trung theo các mô hình trang trại ngoài khu dân cư. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện nạc hóa đàn heo và đưa các giống gia cầm chất lượng cao vào chăn nuôi. Song song đó, tập trung chuyển giao mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học kết hợp với ao nuôi cá; xây dựng vùng nuôi an toàn, quản lý tốt dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn