Tỉnh Sóc Trăng từng có trên 1.000 ha cây thuốc cá nhưng mấy năm qua loại cây đặc sản rất giàu rotenon này bị thuốc hóa học Trung Quốc chiếm mất thị phần khiến diện tích giảm xuống chỉ còn 40 ha.
Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều hộ nuôi tôm đã ngộ ra việc dùng thuốc hóa học là lợi bất cập hại và họ đã trở về với cây thuốc cá truyền thống.
Giải thích cho việc quay lại sử dụng cây thuốc cá, anh Tám Kèo, một người nuôi tôm từ năm 2003 đến nay ở xã Vĩnh Hải cho biết: “Dùng thuốc hóa học nóng lắm, tôm chậm lớn. Tất nhiên với các hộ nuôi tôm công nghiệp cho dù tôm sú hay tôm thẻ thì vẫn phải dùng hóa học để vệ sinh ao triệt để, còn những hộ nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm xen với lúa thì việc dùng cây thuốc cá để diệt cá tạp là tối ưu.
Tối ưu ở đây là không nói đến giá vì giá thuốc hóa học rẻ hơn, nhưng hiệu quả cuối cùng lại không cao vì tôm bị hao hụt nhiều và chậm lớn, còn dùng cây thuốc cá thì chẳng những khắc phục được nhược điểm của thuốc hóa học mà còn nếu sử dụng đúng, đủ liều lượng thì còn có tác dụng kích thích tôm lột vỏ đồng loạt nên dễ chăm sóc”.
Cây thuốc cá không những khởi sắc ở phân khúc thị trường thủy sản mà còn cả với cây trồng. Anh Ba Kết, người vừa trồng 4.000 m2 cây thuốc cá cho biết, mặc dù đang lúc giá cao nhưng anh vẫn để lại 2.000 m2 chưa thu hoạch mà để đợi bán cho người trồng dưa hấu đợt Noel.
Theo anh Kết, nếu trị bọ nhảy, bọ trĩ thì không có thuốc hóa học nào sánh với rễ cây thuốc cá, vì ngoài tác dụng diệt sâu rầy, còn có tác dụng như thuốc kích thích sinh trưởng nên dưa hấu xanh tốt hơn. Vĩnh Châu là đất màu nên nhu cầu dùng thuốc cá cao hơn chỗ khác.
Anh Bùi Hoàng Đẹt đang thu hoạch 2 trong tổng số 18 công thuốc cá cho biết, năng suất của vườn anh đạt 800 kg rễ/công (1.300 m2), đã nhận cọc của thương lái với giá 25.000 đ/kg, như vậy cứ mỗi công anh có thu nhập 20 triệu đ/năm. Đây chưa phải là thời điểm có giá cao nhất vì mới tháng trước giá rễ lên đến 28.000 đ/kg, tuy nhiên so với năm 2011 thì giá cao gấp 3 lần.
KS Dương Minh Hoàng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết, để ổn định SX, tỉnh đang có ý định tìm kiếm quy trình công nghệ để chiết xuất rotenon SX quy mô công nghiệp. |
Diện tích cây thuốc cá của Sóc Trăng tập trung ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Dọc theo con lộ Nam Sông Hậu, đoạn qua ấp Mỹ Thành có đủ loại cây có độ tuổi khác nhau, có vườn đang thu hoạch, có vườn 7 - 8 tháng tuổi nhưng nhiều nhất là vào độ tuổi 2 - 3 tháng. Điều đặc biệt của năm nay là có đến 50% sử dụng màng phủ.
Không như những nơi khác, cây thuốc cá được trồng lan trên mặt đất nên rất khó thu hoạch, nhất là nơi đất có thành phần cơ giới nặng, còn dân Vĩnh Hải trồng trên đất cát bằng cách lên luống như khoai lang, luống cách luống 1 - 1,2 m, mỗi luống trồng 1 hàng, cây cách cây từ 25 - 30 cm nên dễ thu hoạch, không bị đứt rễ non, nơi có hàm lượng mủ cao nhất. Việc phủ bạt không những giảm công chăm sóc, nước tưới mà còn đảm bảo cho rễ không ăn xuống sâu.
Theo anh Nguyễn Tài, cán bộ nông nghiệp của xã Vĩnh Hải, mặc dù thu nhập của cây thuốc cá chưa bằng với cây hành tím nhưng với diện tích lên đến 1.800 ha thì hành tím đã kịch trần và ngày một giảm bởi tài nguyên nước ngầm ở đây đang bị suy giảm nghiêm trọng, người trồng dưa hấu phải thay phiên nhau thức đến 2 - 3 giờ sáng để bơm nước.
Với những giồng đất cao thì nước lại càng thiếu nên không thể trồng màu và cây thuốc cá là lựa chọn số 1 hiện nay, bởi vậy diện tích cây thuốc cá của ấp Mỹ Thành đang tăng hàng ngày, năm ngoái là 42 ha và năm nay lên đến 60 ha. Ngoài bán rễ, việc bán hom giống cũng đang là nguồn thu đáng kể, cứ mỗi công khi nhổ thu được 30.000 hom giống, bán được 10 triệu đồng, đủ cho trả tiền công thu hoạch và chi phí trồng mới.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn