Lấy dân làm chủ thể trong xây dựng NTM
Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ, đến nay, toàn huyện có 21/30 xã được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM. Năm 2018, đã có xã Phú Nghĩa đủ tiêu chuẩn đề nghị thành phố công nhận đạt chuẩn và phấn đấu đến cuối năm có thêm 3 xã đạt xã NTM.
Nghề chăn nuôi gà đẻ trứng đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Ghi nhận những thành tích của huyện Chương Mỹ trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình số 03 của Huyện ủy Chương Mỹ về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 – 2020” tổ chức mới đây, Thành ủy Hà Nội đã tặng bằng khen cho cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ, UBND thành phố tặng bằng khen cho 13 cá nhân; UBND huyện Chương Mỹ đã tặng giấy khen cho 38 tập thể và 87 cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Ông Ngọc cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nông dân. Toàn huyện có 3 trung tâm văn hóa - thể thao, 177 nhà văn hóa, có 125/204 thôn, xóm đạt danh hiệu làng văn hóa đạt 61%, có 65.600 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt 87% tổng số hộ dân của 30 xã. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...
"Khi bắt tay xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đã phát huy tốt tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong triển khai xây dựng NTM, tạo niềm tin trong nhân dân"- ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, việc phát huy dân chủ ở nhân dân thể hiện rõ nét nhất trong công tác dồn điền đổi thửa tại Chương Mỹ. Cụ thể huyện từng bước thực hiện trong công tác dồn điền đổi thửa đều có sự tham gia của người dân, người dân được nghe báo cáo kết quả điều tra, phân tích thống kê, tổng hợp phân loại đất theo từng vùng xứ đồng, khảo sát hệ thống mương tưới, tiêu, dự toán kinh phí thực hiện...
Điểm khác biệt trong xây dựng NTM ở Chương Mỹ là những mô hình làm kinh tế. Nhiều địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng sản xuất hoa, rau an toàn (Thụy Hương); bưởi diễn (Nam Phương), nhãn chín muộn (Lam Điền); nuôi trồng thủy sản tập trung (Thanh Bình, Trung Hòa), lúa chất lượng cao (Đồng Phú, Tốt Động), mô hình chăn nuôi của Công ty CP Tiên Yên (xã Đại Yên)…
Phấn đấu trở thành huyện NTM trong 2 năm nữa
Trao đổi với NTNN, ông Ngọc cho hay: Trong thời gian tới, các cấp, ngành của huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để đến năm 2020 huyện Chương Mỹ trở thành huyện NTM. Trong đó, huyện tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, hỗ trợ nhân dân các xã bị thiệt hại, ảnh hưởng của thiên tai khắc phục hậu quả; vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau ngập úng...
Đối với một số tiêu chí chưa đạt, ông Ngọc cho biết, Chương Mỹ đang đề nghị các sở, ngành thành phố quan tâm đầu tư cho trung tâm y tế huyện Chương Mỹ và 1 trường THPT trên địa bàn huyện để đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo tiến độ huyện Chương Mỹ đạt huyện NTM vào năm 2020.
Ngoài ra, đối với những xã chưa đạt xã NTM sau năm 2018 đều là những xã khó khăn, xuất phát điểm thấp, khả năng huy động nguồn lực của xã là rất khó và cần UBND thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ với những xã này.
Kết quả thẩm định mới đây của Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM TP.Hà Nội đánh giá xã Phú Nghĩa đạt 96,2 điểm và không có điểm liệt (0 điểm). Qua đó, đủ điều kiện trình thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Doanh - Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết, điều đáng mừng là cùng với hạ tầng, đời sống người dân địa phương đang ngày một cải thiện. Ngành nghề truyền thống, hoạt động của khu công nghiệp... đã nâng cao thu nhập cho người dân.
"Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Phú Nghĩa đã đạt 42 triệu đồng/năm"- ông Doanh nói.
Theo Hải Đăng/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn