Cơ duyên với hoa lan
Với quy mô sản xuất trên 0,6ha trong hệ thống nhà lưới hiện đại, trang bị hệ thống tưới tự động, mỗi năm trang trại của Trinh cung cấp cho thị trường gần 1,7 triệu cành lan, thu nhập bình quân 450 triệu đồng. Hiện trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động phổ thông, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Mỹ Trinh kiểm tra vườn lan của mình. Ảnh: Hữu Quang
Chia sẻ thêm về định hướng sắp tới, chị Trinh cho biết đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, liên kết, phối hợp với các nhà vườn khác để tiến tới thành lập HTX hoa lan. Hiện mọi thủ tục thành lập đã chuẩn bị xong. Khi đi vào hoạt động. HTX không chỉ sản xuất và kinh doanh hoa lan cắt cành mà còn là điểm cung cấp cây giống, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan cho những người trồng lan. |
Chị Trinh tiếp chúng tôi vào một buổi chiều mưa trên “đất thép” Củ Chi. Đó là một phụ nữ còn khá trẻ, giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm và đặc chất miền Tây. Bà chủ trẻ không ngần ngại chia sẻ, chị sinh ra ở một vùng quê của tỉnh Đồng Tháp, gia đình khó khăn, vì muốn thoát ly và tìm cho mình một cơ hội thoát nghèo, phụ giúp gia đình, chị đã lên TP.Hồ Chí Minh.
Thời gian đầu, chị xin làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi. Với đồng lương công nhân ít ỏi, lại thêm có con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Nhiều đêm chị suy nghĩ phải làm một cái gì đó cho riêng mình mới mong thoát nghèo khó.
Tình cờ một lần chị xem chương trình tivi về nông nghiệp đó đây, thấy họ giới thiệu ngành trồng hoa lan cắt cành và những nhà vườn đã làm giàu từ hoa lan. Xem xong, ý tưởng về một trang trại lan sẽ hình thành ngay tại mảnh đất mà Trinh đã chọn làm quê hương thứ hai cứ thôi thúc chị. Vốn xuất thân con nhà nông, chị lại càng quyết tâm sẽ làm gì đó liên quan đến nông nghiệp.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết thời điểm đó Hội Nông dân Củ Chi đang khuyến khích đổi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là lại có chương trình hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh. Được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ Hội, tôi đứng ra vay 20 triệu đồng làm vốn và bắt tay vào đầu tư trồng hoa lan” - chị Mỹ Trinh kể lại.
Để thực hiện ước mơ của mình, chị dốc hết tiền tiết kiệm sau 6 năm làm công nhân cùng với số vốn được vay để trồng khoảng 1.400 cây lan. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như chị nghĩ, vì chưa biết nhiều về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thậm chí còn chưa phân biệt được các giống lan, Trinh phải tìm đến sự hỗ trợ của các cán bộ nông nghiệp địa phương, đến các vườn khác xin học hỏi kinh nghiệm.
Khi đã giải quyết cơ bản được vấn đề kỹ thuật, một khó khăn khác còn lớn hơn đó là vấn đề đầu ra. “Sau thời gian vất vả trồng và chăm sóc, cuối cùng thì lan cũng ra hoa, nhưng khi đó tôi không biết bán cho ai. Ban đầu hoa còn ít, tôi đạp xe đi bán từng cành, gặp ai cũng giới thiệu, mời mua. Đi bán loại hoa cao cấp mà cứ như bán cà-rem dạo. Thế nhưng, số lượng bán được cũng chẳng là bao, lúc đó sự thực tôi đã rất hoang mang, lo lắng” – Trinh nhớ lại những ngày đầu gian khó.
Không nản chí, khi vườn cây đã phát triển ổn định, ra hoa rộ với số lượng lớn, xác định không thể cứ tiếp tục kiểu mua bán cò con như vậy được, chị Trinh tìm đến các vườn lớn khác để ký gửi và bán lại cho họ. Nhưng khi số lượng hoa chị thu được lớn hơn nữa thì các vườn đó lại ngừng thu mua.
Trinh nhớ lại: “Các nhà vườn không mua nữa, hàng ngày tôi đạp xe chở lan ra bến xe buýt đi lên chợ Bến Thành rao bán hoa. Ngày đầu tôi đi khắp các cửa hàng kinh doanh hoa tươi xung quanh chợ nhưng chỉ có hai nơi nhận mua tổng cộng 50 cành, dù vậy cũng mừng rơi nước mắt vì đã tìm được đầu ra mới”. Cứ đi từng bước như vậy, chậm mà chắc, đến nay chị Trinh đã có mối thu mua và khách hàng ở hầu hết các chợ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Liên kết cùng phát triển
Công nhân đang phân loại, đóng gói hoa lan tại trang trại của chị Trinh. Ảnh: Hữu Quang
"Chị Trần Thị Mỹ Trinh là tấm gương điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thoát nghèo. Sự thành công của chị Trinh còn góp phần tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Đặc biệt là với việc hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn khác trong khu vực, chị Trinh đã tạo được một vùng liên kết khá tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn”. Bà Phan Thị Xuân Hương - |
Nói về chị Mỹ Trinh, anh Quốc Vũ - một nông dân trồng lan ở ấp Trung cho biết: “Tôi cũng mới bắt đầu trồng lan vài năm nay, khi gặp khó khăn về kỹ thuật, tôi thương tìm đến nhờ chị Trinh tư vấn. Chị không hề giấu giếm mà luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Chị còn hỗ trợ thu mua hoa cho các vườn nhỏ như của tôi nên chúng tôi cũng đỡ khó khăn về đầu ra”.
Hiện tại, cơ sở hoa lan Ba Được của chị Mỹ Trinh đang liên kết và phối hợp tiêu thụ, bao tiêu đầu ra cho hơn 30 vườn lan nhỏ trên địa bàn xã cũng như những xã lân cận. Thị trường tiêu thụ đã không còn dừng lại ở quy mô địa phương mà đã trải khắp cả nước và đang hướng đến việc xuất khẩu.
Luôn tất bật với công việc hàng ngày, chị làm từ việc của một công nhân như cắt hoa, bó hoa, đóng thùng, đến việc của một thủ quỹ, kế toán và cả việc giao dịch khách hàng, tiếp thị... Bận rộn là vậy, nhưng việc nào chị cũng làm khá chỉn chu và luôn mong muốn hoàn thiện, phát triển hơn nữa.
Chị Trinh nhận định: “Hiện nay số lượng vườn trồng lan mokara khá nhiều, các địa phương khác cũng trồng được nên phải cạnh tranh việc tiêu thụ khá gay gắt. Cho nên, muốn có lãi bắt buộc phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, tìm ra các giống mới đẹp và lạ hơn”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn