Thi công xây dựng trường mầm non tập trung giai đoạn 1, xã Đại An. |
Xã Đại An có 5 thôn với hơn 8.000 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn với diện tích canh tác trên 792ha. Thực hiện chương trình xây dựng NTM với nhiều khó khăn thách thức, xã Đại An đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM, giúp người dân hiểu được vai trò chủ thể tiên phong của mình, cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2017, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ, HĐND xã về đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, UBND xã đã tập trung huy động các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng như: xây dựng bổ sung 6 phòng học, mở rộng khuôn viên trường tiểu học với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, xây dựng giai đoạn 1 khu lò đốt rác tập trung và giai đoạn 1 trường mầm non tập trung với kinh phí dự toán 7 tỷ đồng; tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình nhà văn hóa, môi trường nông thôn, các tuyến đường giao thông thôn, xóm kết hợp xây dựng giao thông nội đồng. Trong năm 2017, toàn xã đã xây mới 4 nhà văn hóa, cải tạo nâng cấp 3 nhà văn hóa thôn, xóm. Đồng chí Nguyễn Gia Thuân, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã thuần nông, ít nghề phụ nên tiêu chí giao thông là tiêu chí khó thực hiện đối với xã bởi yêu cầu vốn đầu tư lớn. Để giải quyết vấn đề này, học tập kinh nghiệm các địa phương đi trước, xã chủ trương kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ từ con em quê hương ở các nơi có điều kiện đầu tư góp công, góp của xây dựng đường dong ngõ, xóm kết hợp với nguồn huy động tại chỗ của nhân dân địa phương để hoàn thành tiêu chí này”. Nhờ vậy, năm 2017 nhiều tuyến đường trục quan trọng ở các thôn, xóm được hoàn thành. Trong đó, HTX Đại Đê đã tiến hành xây kè đoạn đường xóm Thượng dài 64m kết hợp bê tông hóa đoạn đường 370m với tổng kinh phí 582 triệu đồng (trong đó kinh phí tài trợ là 300 triệu đồng). Thôn An Duyên tổ chức xây kè và bê tông hóa mặt đường trục xóm giữa thôn với tổng kinh phí 240 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 70 triệu đồng). Xóm Đông, thôn An Duyên làm kè rãnh thoát nước sân vận động, bê tông hóa mở rộng mặt đường đoạn từ nhà ông Đức đến trạm biến áp với kinh phí đóng góp tự nguyện của người dân là 60 triệu đồng. Các xóm Tiền, xóm Miễu của thôn An Hưng vận động nhân dân kè và bê tông hóa mặt đường với tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng. Trong năm 2017, các thôn xóm đã triển khai làm đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Điển hình như thôn An Cự, chỉ tính riêng trong năm 2017, nhân dân thôn An Cự đã đóng góp hơn 300 triệu đồng, 1.000m2 đất và hàng trăm ngày công lao động để làm đường bê tông, làm kênh mương và nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân trong thôn. Tổng giá trị các công trình là 460 triệu đồng. Tiêu biểu trong phong trào hiến đất, ủng hộ tiền làm nhà văn hóa của thôn có gia đình các ông: Nguyễn Quang Trung, Lê Văn Trài, Phùng Thanh Sơn... Với chương trình xây dựng NTM, người dân trong xã đã đóng góp gần 19 tỷ đồng, hiến 10,1ha đất, đóng góp hàng nghìn ngày công làm nhà văn hóa và 13km đường giao thông nông thôn, nội đồng. Từ chỗ chỉ đạt 6/19 tiêu chí NTM ban đầu, đến nay, Đại An đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong đó, nổi bật là phát triển hệ thống giao thông dân sinh, giao thông nội đồng, hoàn thiện cơ sở vật chất trường mầm non tập trung, trường tiểu học và trường THCS trên địa bàn xã. Ngoài kết cấu hạ tầng, lĩnh vực y tế, giáo dục của địa phương có bước tiến đáng kể, 98% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 100% các thôn thực hiện thu gom rác thải. Đổi thay về hạ tầng, đặc biệt với 2,2km tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 38B qua xã đã giúp Đại An trở thành địa bàn hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương. Từ xã thuần nông, đến nay xã đã có 5 doanh nghiệp như Cty CP Dệt may Đức Anh, Cty Thương mại và du lịch Thuận Thành, Cơ sở In thêu Tiến Thắng, Cơ sở Kinh doanh lan - cây cảnh Vũ Xuân Thục, Cty Dầu khí Nam Định về đầu tư trạm xăng dầu trên địa bàn. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,46%.
Năm 2018, xã tập trung hoàn thiện hạ tầng cơ sở giáo dục, nghiên cứu đề xuất chủ trương xây dựng khu dân cư mới tập trung tại khu vực phía bắc đồng Năng của thôn Đại Đê với diện tích 1,9ha. Bên cạnh đó, hoàn thiện phương án sử dụng khu lò đốt rác thải tập trung cùng với xã Tân Thành liền kề, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo giữ vững và phát triển NTM bền vững./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn