Với 15 con bò 50% máu Wagyu, anh Tuyến là người có nhiều bò lai Nhật nhất xã Minh Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Đàn bò lai Nhật của anh Tuyến |
Chuyện bắt đầu từ mấy năm về trước khi 6 con bò cái nền của nhà sau được thụ tinh bò Wagyu đã đẻ ra lũ bê lai đẹp như mộng khiến cho anh thích mê, bán hết bò mẹ đi, mua thêm những con bê lai Wagyu khác để phối tinh tiếp tạo F2, F3, F4: “Tôi mơ được tạo ra những con bò Kobe Nhật thuần chủng để biết thứ thịt bò mà cả thế giới đều ca ngợi ra sao”.
Wagyu là một giống bò thịt nổi tiếng của Nhật nhất là khi được nuôi ở vùng Kobe với chế độ chăm sóc đặc biệt, được mát xa, uống bia và nghe nhạc mỗi ngày nên giá mỗi kg thịt quy ra tiền Việt tới 10 triệu đồng.
Thịt bò Kobe được sản xuất với số lượng rất hạn chế, ngoài tiêu thụ cho giới thượng lưu nội địa chỉ xuất bán đi một vài quốc gia khác. Bởi thế, một dạo ở Việt Nam xôn xao về bát phở bò Kobe tiền triệu, tìm hiểu kỹ hóa ra toàn là phở… lừa.
Anh Tuyến dắt con bò lai Nhật ra vườn ăn cỏ. |
Theo như giới nghiên cứu, giống bò Wagyu hiện đại là kết quả của việc lai tạo hàng trăm năm giữa bò bản địa Nhật với bò nhập khẩu, bắt đầu từ thời Minh Trị đến nay.
Bằng việc kiểm tra kỹ lưỡng phả hệ từng đời, chỉ những con ưu tú nhất mới lọt qua được vòng kiểm duyệt để giữ tạo giống nên bò Wagyu như một quốc bảo của Nhật, nghiêm cấm việc xuất khẩu ra thế giới bên ngoài. Thế nhưng vẫn có một hai ngoại lệ là các nước đồng minh thân thiết của Nhật như Mỹ và Úc.
Quãng thập niên 70 của thế kỷ trước đã có những con bò Wagyu thuần chủng đầu tiên được gửi sang các quốc gia này như một món quà để gây giống. Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam không nhập khẩu được bò thuần cũng như tinh bò thuần từ Nhật nên buộc phải đi đường vòng là nhập từ Mỹ, Úc.
Minh Châu được bao bọc bốn phía là sóng nước sông Hồng. Xã không có một nghề phụ nào mà chỉ trông vào trồng trọt và chăn nuôi bò, lợn. Xã không có một cây lúa nào nên trong những ngày đông tháng giá từng đoàn xe lôi của dân Minh Châu đổ đi tứ xứ xin rơm rạ làm thức ăn cho đàn bò đông tới 4.000 con. Có 900 hộ chăn nuôi như vậy ở xã, nhiều nhất có hơn 30 con, còn trung bình 3 - 5 con bò.
Từ năm 2010 đến nay người chăn bò ở xã đã sử dụng các giống bò thịt sản lượng cao hoặc chất lượng cao như Droughmaster, Limosin, BBB đến Wagyu…
Không chỉ “gây nghiện” cho anh Tuyến mà bò Wagyu còn có sức quyến rũ lớn đối với người dân Minh Châu. |
Nói chung Minh Châu như một bảo tàng lưu giữ gen bò thịt ở Việt Nam nhưng Wagyu vẫn là một thứ rất đặc biệt. Theo anh Hoàng Kim Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thì năm 2017 thành phố bắt đầu nhập hai nguồn tinh Wagyu từ Mỹ và Úc, đến nay đã được khoảng 10.000 liều để thụ tinh cho đàn bò của các xã Minh Châu (Ba Vì), Thượng Cốc (Phúc Thọ), Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm) và Tự Lập (Mê Linh).
Toàn bộ tiền tinh, tiền công người dân đều được hỗ trợ 100%. Có hàng ngàn con bê lai Nhật đã được sinh ra như thế và trở thành hướng đi sáng về chăn nuôi của Thủ đô.
Quay trở lại với chuyện đàn bò lai Wagyu của anh Tuyến. 13 tháng tuổi chúng đã bắt đầu động dục, 14 tháng tuổi anh thử phối cho 2 con và 1 con đang mang trong bụng mình dòng máu F2. Không chỉ “gây nghiện” cho anh Tuyến mà bò Wagyu còn có sức quyến rũ lớn đối với người dân Minh Châu đến nỗi trung bình mỗi tháng anh có 150 đơn đặt hàng miệng đi thụ tinh nhân tạo cho đàn cái của địa phương.
Cùng tháng tuổi, cùng chế độ chăm sóc như nhau nhưng bê lai Wagyu luôn có giá cao hơn 30 - 35% so với bê thường. Lúc tôi đến, làng trên, xóm dưới nhộn nhịp tiếng người í ới gọi anh Tuyến đi đi bấm tai, đánh số cho gia súc để kịp đợt xuất 100 con bê cho công ty T&T 159 ở Hòa Bình.
Wagyu là một giống bò thịt nổi tiếng của Nhật. |
Giá mỗi kg bê đực 110.000 đồng, bê cái 95.000 đồng nên trung bình một con 4 - 6 tháng tuổi được 15 - 17 triệu đồng, trong đó lãi ròng hơn một nửa.
Chưa có ở đâu mà đến 80 - 90% cán bộ đều liên quan đến bò như ở xã Minh Châu. Chủ tịch Nguyễn Danh Đạt, Phó Chủ tịch Nguyễn Danh Hưng đều đi lên từ dẫn tinh viên, thỉnh thoảng rỗi vẫn hành nghề, còn Bí thư Nguyễn Bá Hòa và đội ngũ cấp dưới nhà nào nhà nấy đều có chuồng bò cả. Ở công sở là áo trắng cổ cồn nhưng hễ về nhà lại quần xắn móng lợn, tất tả cắt cỏ, rắc cám cho bò ăn hay sấp ngửa tắm rửa, dọn phân cho bò. |
Vừa rồi, tò mò anh Tuyến bèn thử thịt một con bê lai Wagyu đực, sau khi bán xong bớt lại một ít để khoản đãi bạn bè. 4 người xếp tròn ngồi một buổi ăn hết sạch 5kg thịt: “Đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức loại thịt bò nào đặc biệt như vậy, không ngán ngấy mà cứ ngọt lịm, nhất là ăn xong mồm không có tí mùi hôi hôi nào cả”.
Đó mới chỉ là bê nuôi bằng cỏ có bổ sung thêm 1kg bột ngô mỗi ngày chứ nếu được nuôi theo công thức đặc biệt kiểu Kobe đến khi thành bò thì không biết người ăn còn phải xuýt xoa đến mức thế nào nữa…
Anh Hưng - Phó chủ tịch xã bảo với tôi rằng BBB và Wagyu là hai thái cực khác nhau, một là siêu năng suất bởi trọng lượng khổng lồ 6 - 7 tạ còn một là siêu chất lượng với độ ngon đã được cả thế giới ngợi khen.
Tuy nhiên, nuôi bê lai BBB rất hại bò cái bởi tính phàm ăn ngay từ trong bụng mẹ, chỉ được 3 lứa có khi đã phải loại thải, còn nuôi bê lai Wagyu nhờ trọng lượng nhỏ hơn nhiều mà bò mẹ có thể đẻ đều 5 - 7 lứa.
Tổng số bò cái của Minh Châu được phối tinh Wagyu đến nay khoảng 1.500, 700 con bê lai đã được ra đời trong đó 500 con đã được xuất bán. Ngoài làm thịt một số bê cái được xã khuyến khích giữ lại để làm nền lai tạo ra thế hệ F2 sau này. Nhận thấy điều kiện tự nhiên tuyệt vời của đảo ngọc với đàn bò lai Wagyu đông đảo nên nhiều công ty đã tìm về Minh Châu để lập dự án nuôi bò kiểu Nhật.
Nhiều công ty đã tìm về Minh Châu để lập dự án nuôi bò kiểu Nhật. |
Theo anh Hưng, công ty Bảo Ngọc đã dẫn cả chuyên gia Nhật Bản về khảo sát rất kỹ, rất ưng nơi này nhưng tiếc là điều kiện của họ khắt khe quá. Phải nuôi hệt như bò Kobe bên Nhật nghĩa là thời gian kéo dài 36 tháng với thức ăn phối trộn đặc biệt nên không thể theo nổi.
Còn chuyên gia Hà Lan do Công ty Nam Thái dẫn về thì để phù hợp với tình hình họ đã rút ngắn thời gian nuôi xuống còn khoảng trên dưới 24 tháng. Trong đó, 3 tháng cuối là giai đoạn tích mỡ rồi tiêu mỡ vào các thớ thịt để tạo ra tảng thịt vân mỡ đặc trưng kiểu Kobe cần chi phí thức ăn lên đến 200.000 đồng/ngày, tương đương 18 triệu. Dân không thể đầu tư nuôi được công đoạn này nên cần phải có doanh nghiệp bà đỡ.
Dự án chăn nuôi gắn với giết mổ và tiêu thụ thịt bò lai Wagyu của Nam Thái ra đời trong hoàn cảnh đó bao gồm một trang trại mẫu khoảng 200 con và các hộ vệ tinh liên kết để cho công ty lấy bê đưa về nuôi vỗ béo. Hiện đơn vị này đã nhận mặt bằng, bắt đầu trồng cỏ và đợi chờ sự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sẵn sàng lập trại.
“GDP” của xã cũng chủ yếu phụ thuộc vào loài động vật nhai lại này. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm tiền bán bò của Minh Châu ước đạt 30 tỷ đồng trong đó khoảng 6 tỷ là bán bê lai Wagyu. Xã còn đang mạnh dạn đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho hợp nhất toàn bộ diện tích mà các xã, thị trấn thuộc huyện Ba Vì của Hà Nội và huyện Vĩnh Tường của Vĩnh Phúc đang sử dụng vào đất của mình để có điều kiện phát triển nghề chăn nuôi hơn nữa. Đề nghị Bộ NN-PTNT đưa xã vào vùng phát triển giống bò để phục vụ cho nhu cầu giống của Hà Nội và các tỉnh thành… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn