Mắc màn cho cam “ngủ”
Có mặt tại trang trại cam Khe Mây của ông Đinh Văn Oánh, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những đồi cam được phủ màn trắng bao trùm từ gốc đến ngọn. Bên trong là những quả cam to, tròn, vàng óng khiến ai nấy đều mê mẩn.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Oánh kể, cách đây 20 năm, gia đình vào rừng núi Khe Mây khai hoang và bắt đầu trồng cam. Hồi đó nhiều hộ cũng vào khai hoang nhưng hầu hết bỏ cuộc và trở lại nơi ở cũ. Rừng rậm, hoang vu, chẳng có điện, đèn dầu leo lắt, tôi bảo vợ, đã vào đây thì quyết tâm bám trụ, có sức người sỏi đá sẽ thành cơm. Vợ tôi đồng ý. Gắn bó với đất rừng, cây cối sinh hoa tạo quả, vợ chồng ông sinh con. Nơi rừng sâu ấy, các con ông đều học giỏi và lần lượt 3 con đỗ vào các trường đại học ở Hà Nội và Nghệ An.
“Tháng Giêng, cam bắt đầu ra hoa, đến khoảng tháng 9 cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây cho thu khoảng 20-30kg quả. Tôi chỉ chú trọng chất lượng, còn số quả trên cây thì để nó tự nhiên đậu, không dùng kích thích”, ông Oánh nói.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc trồng cam, ông Oánh cho biết: Từ khi cam gần chín cho đến cuối vụ, có rất nhiều bướm và ruồi vàng bay ra chích hút, mỗi đêm chúng phá trung bình cả tấn cam của cả làng. Trước việc tàn phá của các loại sâu bệnh, tôi nghĩ ra cách mắc màn cho cam “ngủ”.
Thế là, ông cùng vợ ra Công ty May 10 (Hà Nội) đặt mua hàng ngàn chiếc màn về phủ kín toàn bộ vườn cam.
“Khi quả bắt đầu lớn, tôi sử dụng màn để mắc cho cây cam. Việc mắc màn này có tác dụng tránh các loại bướm đêm, bọ xít, sâu đục quả, ruồi vàng… gây hại quả. Trước đây, chúng tôi phải thức đêm, đội đèn dùng vợt để diệt bướm. Nhưng cách đó chỉ tạm thời vì số bướm đêm rất nhiều, không thể diệt hết. Đường đồi đi lại khó khăn lại thêm rắn rết rất nguy hiểm. Tính ra mỗi màn có giá 150.000 đồng, phủ 1 cây, sử dụng được tối thiểu hai năm, như vậy, mỗi năm chỉ mất 75.000 đồng/cây. Biện pháp này có thể đắt hơn nhưng hiệu quả hơn, cho sản phẩm sạch”, ông Oánh chia sẻ.
Phát triển vùng cam hữu cơ
Ngoài sử dụng các biện pháp sinh học, mắc màn cho cam, ông Oánh còn dùng ống dẫn dụ côn trùng bằng keo dính, luôn có sẵn máy test cá nhân để test độ sạch, máy kiểm tra độ đường, kiểm tra lượng phân bón. Sau mỗi vụ cam, ông Oánh cuốn màn cất đi; tiến hành cắt cành, tỉa cây, cuốn gốc đúng kỹ thuật và bón phân đúng thời điểm để năm sau cây tiếp tục cho quả đều. Nhờ được chăm sóc đặc biệt, cam trong trang trại của ông Oánh có giá bán cao hơn so với nhiều nơi trồng cam ở Hà Tĩnh, bình quân cho thu hoạch 15 tấn cam/ha/năm, đầu mùa bán với giá 55 - 60 nghìn đồng/kg, cuối mùa giá 60-80 nghìn đồng/kg, dự kiến hết mùa vụ, ông sẽ thu về khoảng 5 tỷ đồng (20ha).
Ông Oánh nói với chúng tôi, từ lao động, các con ông đã tự học được nhiều kiến thức trồng cam và với ông chúng như những chuyên gia, điểm tựa cho ông bà trong việc phát triển thương hiệu cam Khe Mây. Bây giờ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngon, ngọt của cam Phương Oánh, đa phần khách hàng là những mối thân quen từ trước, họ mua ăn, làm quà và ông cũng hy vọng trên vùng vùng đất này tâm huyết của ông sẽ được các con nối tiếp và gìn giữ.
Hôm gặp Minh, con trai ông Oánh, tôi hỏi, đang học dở đại học, sao em quyết định nghỉ học? Minh tâm sự: Trang trại này là công sức, tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của bố mẹ em. Em quyết định tạm thời bảo lưu việc học, trở về quê cùng bố mẹ chăm sóc cam, làm giàu từ đồng đất quê hương.
Ba anh em Minh có ý tưởng sẽ phát triển vùng cam hữu cơ, trồng cam sinh học, tiến tới bỏ dùng các loại thuốc BVTV. Minh tham gia trang mạng xã hội “Canh tác bền vững”, hàng ngày trên đó có nhiều chia sẻ của các chuyên gia và nhà vườn. Nhờ đó, gia đình Minh học hỏi được nhiều kiến thức trồng cam.
Theo Trà Giang/Báo KTNT.vn