Nằm tách biệt với thành phố trẻ năng động Long Xuyên (An Giang) cho nên để đến với Mỹ Hòa Hưng du khách di trên những chuyến đò ngang bồng bềnh sóng nước. Từ bến Ô Môi, có thể phóng tầm mắt để ngắm một Mỹ Hòa Hưng hay còn gọi là cù lao Ông Hổ một cách trọn vẹn nhất, xanh mướt, thanh bình, tách biệt khỏi sự ồn ào của nhịp sống đô thị.
Là xã cù lao, đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi với những dãy đất bãi bồi, Mỹ Hòa Hưng được xem là công viên cây xanh, lá phổi của thành phố. Nằm giữa dòng sông Hậu, cách thành phố Long Xuyên khoảng 3 km, xã Mỹ Hòa Hưng được hợp thành từ cù lao Ông Hổ, cồn Phó Ba và hai cồn nhỏ A, B giáp với xã Long Giang, huyện Chợ Mới. Xã cù lao có diện tích tự nhiên là 2.119 ha với 9 ấp, 5.079 hộ và hơn 22 nghìn nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây ăn trái, rau màu và nuôi trồng thủy sản, du lịch và các ngành nghề truyền thống như làm nhang, đan đát, dệt với quy mô nhỏ... Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Anh Châu cho biết: Mỹ Hòa Hưng ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi xã đạt được chuẩn nông thôn mới năm 2015. Tất cả các tuyến giao thông toàn xã đã hoàn thiện láng nhựa. Các tuyến đường ra cánh đồng ngày trước giờ cũng được bà con hùn nhau làm cầu đường bê-tông vững chắc. Xã cũng đã có nhiều mô hình kinh doanh mang lại nguồn thu nhập khá cao như HTX rau an toàn công nghệ cao, làng du lịch cộng đồng (homestay), khu nhà vườn sinh thái... Bộ mặt nông thôn mới Mỹ Hòa Hưng vì vậy đã thật sự thay da đổi thịt từ hơn chục năm qua. Minh chứng cho điều đó là những con số thống kê như: Tám tuyến đường giao thông trục chính toàn xã đã được nhựa hóa dài gần 18 km, các tuyến trục liên ấp dài hơn 5 km cũng đã nhựa hóa, đường dân sinh ngõ xóm được bê-tông hóa toàn bộ với hơn 2,4 km, cả đường nội đồng cũng hoàn thiện trên 9 ấp. Điện, nước sạch, in-tơ-nét phủ kín toàn xã, trường học từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT đều có và nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Trên đường đến thăm gia đình ông Lê Minh Đức (Tư Đức, 74 tuổi) ngụ ấp Mỹ An 1, thành viên đồng sáng lập Tổ Cứu trợ khẩn cấp xã Mỹ Hòa Hưng, một mô hình thiện nguyện đa lĩnh vực duy nhất tại An Giang do chính những nông dân và hội người cao tuổi đồng sáng lập, những mái nhà ngói xưa xen lẫn nhà đúc khang trang sạch sẽ. Tất cả các gia đình có nhà ven đường đều làm những hàng rào cây xanh xen lẫn những cây xoài đang mùa đơm trái. Khi xã vận động làm nông thôn mới xanh-sạch-đẹp, tự bà con cùng nhau trồng cây, làm hàng rào và hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây ăn trái, nhất là xoài, tạo điểm nhấn thú vị cho xứ cù lao Ông Hổ. Nhà ông Tư Đức, điểm sinh hoạt văn hóa ấp Mỹ An 1, ngôi nhà gỗ theo đúng kiểu truyền thống nhà sàn Nam Bộ rất đẹp với vườn kiểng nhỏ trước sân. Hồ hởi tiếp chúng tôi, ông kể chuyện về tổ từ thiện của mình. “Chúng tôi thành lập tổ này cách đây 18 năm, trước chỉ là tổ cất nhà từ thiện, sau thêm vào nhiều hoạt động khác nên giờ đa lĩnh vực và chính thức được chính quyền địa phương công nhận với tên gọi Tổ Cứu trợ khẩn cấp xã Mỹ Hòa Hưng được hơn 5 năm qua. Tổ chủ yếu là anh em lớn tuổi, người trẻ nhất cũng đã ngoài 60, người lớn nhất cũng gần 80. Anh em nào còn sức, còn tâm huyết thì cứ tham gia”. Ông cho biết thêm, các thành viên tổ tham gia cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho bà con nghèo trong và ngoài tỉnh, giúp hộ khó khăn, giúp cứu trợ thiên tai, mua xe cấp cứu chuyển viện, hỗ trợ tiền chữa bệnh người nghèo... Tất cả đều được duy trì nguồn quỹ công khai, minh bạch. Trong đó, tổ cất nhà đóng tại chùa Dơi tức chùa Hưng Long luôn có hàng chục bộ khung nhà sẵn sàng cất mới và ba chiếc xe cấp cứu trị giá khoảng 500 triệu đồng/chiếc sẵn sàng phục vụ cấp cứu tất cả bà con trên 9 ấp. Mỗi năm, tổ cất nhà từ thiện do ông Tư Đức và Huỳnh Văn Bảy cùng anh em cao tuổi địa phương cất từ 30 đến 40 căn nhà gỗ, vách tôn cho hộ nghèo xóa nhà dột nát miễn phí trị giá hơn 20 triệu đồng/căn trong và ngoài tỉnh. “Tổ đã đến với bà con nghèo không chỉ trong xã Mỹ Hòa Hưng này mà toàn tỉnh An Giang, sang cả các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau... Anh em ở đây toàn là những người cao tuổi nhưng sức mình còn khỏe, còn góp công cho xã hội thì cứ làm. Mỗi năm anh em nào về với cõi hiền thì anh em khác lại tình nguyện thêm vào”, ông Huỳnh Văn Bảy tâm sự.
Chia tay tổ từ thiện của ông Bảy, ông Tư, chúng tôi đến khu vực rạch ông Cào thăm đội thi công cầu đường do ông Tám Tri, Nguyễn Văn Tri, 70 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng từ những năm 1980 đang chỉ huy thi công. “Con đường này nhỏ lắm, mấy cháu đi học té lên té xuống nên tui thấy vậy vận động được mớ tiền mở lộ bê-tông đường rộng 3 m dài 650 m hết 450 triệu đồng. Giờ làm luôn cái cầu tốn khoảng 90 triệu đồng nữa. Vậy là cái xóm nghèo cặp rạch Cào này sẽ có xe hơi chạy tới nơi luôn rồi”, ông cười xòa, quệt vệt mồ hôi trên trán nói. Đội cất mới, sữa chữa cầu đường của ông Tám Tri chỉ mới hình thành từ năm 2017 nhưng đã có bốn chiếc cầu được hoàn thành, giờ thêm tuyến đường và cây cầu thứ năm sắp thành hình, tạo bộ mặt mới cho giao thông nông thôn Mỹ Hòa Hưng thêm khởi sắc, tất cả đều do người dân tự nguyện đóng góp, thi công.
Không chỉ ấn tượng với tấm lòng thiện nguyện của bà con quê hương Bác Tôn, người con tiêu biểu cho giai cấp công nhân Việt Nam và quê hương Nam Bộ, chúng tôi còn được giới thiệu về câu chuyện làng du lịch homestay đầu tiên của An Giang. Đó là một xóm nhỏ cặp rạch Cái Mơn với những ngôi nhà cổ, vườn hoa cảnh xanh mướt. Tất cả các nhà tham gia du lịch cộng đồng đều đặt bảng giới thiệu và có trang trí cổng vào bằng con đường hoa mẫu đơn đỏ thắm. Trong ngôi nhà gỗ cổ xưa nhất nhì đất Mỹ Hòa Hưng với hơn 140 năm tuổi, ông Tôn Thất Đính, cháu họ Bác Tôn, là Chủ nhiệm Tổ du lịch cộng đồng xã cho biết, người dân làm du lịch cộng đồng được hơn 10 năm. Tổ gồm 9 hộ, bao gồm năm hộ lưu trú, hai hộ chuyên ẩm thực và hai hộ phục vụ di chuyển cho khách tham quan. Mỗi tháng đón bình quân khoảng 50 khách/hộ. Làm du lịch kết hợp với làm vườn, trồng xoài, làm rẫy... cho nên đời sống bà con cũng rất khá. Các hộ sống phục vụ du lịch như làng rèn, mộc, dệt lưới... cũng có thêm thu nhập.
Bước chuyển mình từ kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng mang lại cho mỗi hộ nguồn thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng/năm. Giờ đây, bà con nông dân Mỹ Hòa Hưng đã có những hộ thu nhập lên đến 1,5 tỷ đồng/năm. Điều đó thể hiện sự bứt phá thật đáng mừng của xã cù lao từng hết sức khó khăn ngày nào.
Theo Bảo Trị /Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn