Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người nông dân ở Đồng Nai (Ảnh: K.V)
Những vùng sản xuất tập trung ở Đồng Nai bao gồm có cây hồ tiêu, cây cà phê, cây xoài, cây bưởi.v.v…Các địa phương áp dụng sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Theo đó, những năm qua, nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong làm ăn manh mún, tự phát, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã mạnh dạn khuyến khích người dân hình thành các câu lạc bộ năng suất cao, tổ hợp tác, trang trại… để tạo nên các vùng chuyên canh rộng lớn. Từ đây, người nông dân có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chia sẻ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế.
Có thể thấy, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi được Đồng Nai quan tâm phát triển. Để đưa sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai từng bước phát triển theo chiều sâu, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, Tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương thành lập Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai với diện tích ban đầu 208 ha có mục đích xây dựng các mô hình thực nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu đến nông dân.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt và đưa chủ trương thành lập khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai nói riêng và tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai nói chung.
Đầu năm 2015, Đồng Nai và Nhật Bản đã ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Phía Nhật Bản sẽ hợp tác với Đồng Nai trong xây dựng chuỗi nông nghiệp từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, phân phối. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là đầu mối nhận chuyển giao các công nghệ mới về giống, kỹ thuật sản xuất, thực hiện những mô hình thí điểm, mô hình mẫu... Từ đó, chuyển giao rộng rãi cho nông dân cùng tham gia.
Trong năm 2015, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai từ lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; các dự án nhà máy chế biến... Hiện nay, các doanh nghiệp và Trung tâm đang phối hợp nghiên cứu các dự án như Dự án chế phẩm sinh học tăng năng suất cây trồng và phòng trừ sâu bệnh; nghiên cứu quy trình tạo rễ bất định từ Sâm Ngọc Linh và sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có thành phần sâm ngọc linh; nghiên cứu sản xuất chế phẩm phân bón lá từ chùm ngây; nghiên cứu sản xuất tinh dầu bạc hà và nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống từ in vitro và quy trình canh tác đối với các dòng đinh lăng chất lượng đã được tuyển chọn...
Được biết, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai đã có những bước chuyển biến tích cực. Sản xuất tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với tổng giá trị ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2009 - 2013 đạt trên 29 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009 - 2012 đạt 3,66%/năm, đạt kế hoạch đề ra. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 98 triệu đồng, tăng gần 48 triệu đồng so với năm 2009./.
Theo dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn