Xử lý cho thanh long ra trái mùa nghịch tại Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu
Mặc dù thanh long ruột đỏ mới phát triển vài năm trở lại đây nhưng là loại cây dễ trồng, phát triển thích hợp ở vùng đất mới nên được nhiều nông dân ở huyện Châu Thành mở rộng diện tích. Theo thông tin từ một số nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, những năm đầu khi thanh long ruột đỏ xuất hiện trên thị trường giá có phần cao hơn so với thanh long thường, song do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên thanh long ruột đỏ vẫn bị cuốn vào vòng quay lẩn quẫn của thị trường, nhà vườn cũng bao phen nhọc nhằn trong việc tìm đầu ra ổn định cho thanh long ruột đỏ. Xuất phát từ thực tế đó, tháng 6/2013, Tổ hợp tác (THT) sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu được thành lập với 22 thành viên có tổng diện tích là 15ha. Sự ra đời của THT có ý nghĩa quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành. Ông Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng THT sản xuất thanh long ruột đỏ chia sẻ: “Giữa các thành viên trong tổ luôn có sự kết nối chặt chẽ và có sự thống nhất cao về quan điểm cũng như qui trình, cách sản xuất. Qui trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, cách chăm sóc cho ra trái theo yêu cầu của thị trường. Mặt khác, các thành viên trong tổ thống nhất trồng theo cách rải vụ để ra trái quanh năm, cung cấp trái thường xuyên cho thị trường và tránh được tình trạng được mùa mất giá”.
Ngoài ra, gần 2 năm trở lại đây, THT cũng liên kết với một số công ty xuất khẩu thanh long ruột đỏ để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Mặc dù khi sản xuất theo qui trình của công ty thu mua nhà vườn phải tuân thủ nhiều yêu cầu như: áp dụng đúng danh mục thuốc công ty cho phép, đảm bảo an toàn cách ly sản phẩm trước khi thu hoạch, xử lý cho trái có kích cỡ và màu sắc đồng nhất... và nhiều tiêu chuẩn khác. Nhưng bù lại, nhà vườn bán cho công ty giá cao hơn so với thị trường bên ngoài từ 15 - 20% nên bà con rất phấn khởi”.
Trung bình mỗi năm, thanh long ruột đỏ có thể cho trái từ 10 - 13 đợt, sau một năm, khấu trừ các khoản chi phí, nhà vườn có thể lãi từ 80 -100 triệu đồng/ công (tương đương 1.300m2). Ngoài mô hình trồng thanh long ruột đỏ, một số thành viên trong THT còn tận dụng diện tích đất kết hợp trồng nha đam Mỹ. Nha đam Mỹ là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều chi phí, cho thu nhập khá nên một số nhà vườn đã tăng thu nhập đáng kể từ mô hình phát triển kết hợp này.
Ngoài việc cùng nhau liên kết phát triển kinh tế, THT sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu còn giúp đỡ nhiều nhà vườn, THT ở những địa bàn lân cận trong kỹ thuật trồng thanh long an toàn cũng như tư vấn, định hướng tìm đầu ra giúp nhà vườn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn