Đã có 2 ha măng tây ứng dụng công nghệ cao
Đưa chúng tôi đi dọc bãi bồi ngoài đê sông Hồng, ông Lê Đức Trịnh - Chủ nhiệm HTX rau quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, nhận thấy việc ứng dụng CNC vào sản xuất măng tây của HTX rau quả Hồng Thái đem lại lợi ích lớn, UBND huyện Phú Xuyên đã đặc biệt quan tâm đến mô hình này.
Đầu năm 2017, mô hình trồng măng tây ứng dụng CNC của các hội viên HTX Hồng Thái đã được UBND huyện nâng lên thành dự án phát triển với nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn của các phòng ban chức năng.
Ngoài hỗ trợ về kiến thức, cách gieo trồng và thu hoạch, huyện còn hỗ trợ đến 50% kinh phí để HTX Hồng Thái có thể phát triển mô hình trên cơ sở số lượng hạt giống măng tây Hà Lan được thành phố hỗ trợ, HTX đã tiến hành trồng làm 3 đợt. Đợt 1 hoàn thành ngày 2.9.2017 với diện tích 1,3ha, gồm 0,3ha măng tây trắng trong nhà màng, nhà lưới và 1ha măng tây xanh.
Do số lượng hạt măng giống đợt 1 chỉ đủ trồng 1,3 ha nên HTX đã liên hệ với công ty Hà Lan mua bổ sung 15.000 hạt giống để ươm thành cây con từ đầu tháng 1.2018. Đồng thời, xây dựng thêm 3.600 m2 nhà kính để trồng cây măng tây xanh nhằm đối chứng với cây măng trồng ngoài trời.
“Tính đến nay, huyện Phú Xuyên đã cơ bản hoàn thành trồng 2ha măng tây ứng dụng CNC theo đúng chỉ đạo của thành phố”- ông Trịnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho hay: Sau gần 8 tháng trồng và chăm sóc, diện tích măng tây (trồng đợt 1) đang sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch từ trung tuần tháng 3.2018.
Cụ thể, măng tây trắng đạt năng suất 2,5kg/sào/ngày, giá bán 130.000 đồng/kg; măng tây xanh đạt năng suất 2kg/sào/ngày, giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg. Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình trồng măng tây ứng dụng CNC cho thu nhập khoảng 1,5 tỉ đồng/ha/năm.
Để mô hình trồng măng tây ứng dụng CNC đạt hiệu quả cao, huyện Phú Xuyên đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị. Đó là lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, trạm bơm dã chiến lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, xây dựng hệ thống bể lắng - bể chứa - bể lọc.
Cùng với đó, trang bị 4 máy phục vụ làm đất, lên luống, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật; mua 200 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón lót cho cây. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện mô hình lên tới gần 5 tỉ đồng.
Theo ông Trần Công Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, triển khai mô hình trồng măng tây ứng dụng CNC, huyện gặp một số khó khăn nhất định. Việc áp dụng cơ giới hóa vào nhiều công đoạn và thử nghiệm trồng cây măng tây trắng đầu tiên tại Việt Nam đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi quy trình kỹ thuật còn chưa hoàn thiện. Mặt khác, HTX rau quả Hồng Thái mới được thành lập nên công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, số vốn góp của các thành viên ít.
Cần sản xuất lớn để phục vụ xuất khẩu
Ông Thành cho hay: Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, UBND huyện Phú Xuyên kiến nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể “Măng tây Hồng Thái” và kết nối với các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến thăm, làm việc với huyện Phú Xuyên. Đến thăm Hợp tác xã rau quả Hồng Thái – nơi thí điểm trồng măng tây với cây giống và sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Hà Lan, Chủ tịch UBND thành phố đã nhắc nhở HTX Hồng Thái và huyện Phú Xuyên cần bắt tay ngay vào xây dựng thương hiệu để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới thành phố sẽ hỗ trợ tiền hạt giống và cho vay kinh phí làm nhà lưới để Phú Xuyên mở rộng khu trồng măng tây với diện tích khoảng 120 ha.
“Ngoài việc tiêu thụ trong nước, chúng ta phải hướng đến xuất khẩu. Chúng ta phải sản xuất theo quy mô lớn mới đảm bảo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Trước mắt, huyện cần tập huấn chế biến, phân loại và đặc biệt là thuê chuyên gia để xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của Phú Xuyên”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Theo Hải Đăng/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn