Một trại chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp. Ảnh: N.V
Nếu đợt giảm giá hồi tháng 4, mọi con mắt đổ dồn về phía doanh nghiệp chế biến thịt lợn, thì đợt tăng giá vừa qua, câu hỏi còn đọng lại là các doanh nghiệp FDI có chi phối giá thị trường?
“Nâng lên hạ xuống” theo ý đồ?
Những người chăn nuôi cho rằng lượng lợn thiếu hụt cục bộ ở một số nơi không thể gây ra cơn sốt tăng, giảm chóng vánh như vừa qua. Mưa bão ở Trung Quốc chỉ có tính nhất thời, lượng lợn xuất đi không đáng kể.
“Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có “mượn gió bẻ măng”, góp phần tạo ra cơn sốt ảo? Quy trình này đã lặp lại nhiều năm nay”, ông Nguyễn Vinh Quang (hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nói.
Ông Quang giải thích, khi thị trường nhích giá, các doanh nghiệp sẽ tuồn lợn ra để chớp thời cơ bán giá cao. Giá lên đến ngưỡng nào đó thì họ ngừng để kìm hãm bớt cơn sốt giá.
“Khi giá thị trường giảm sâu, giảm lâu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng ra, khiến cung vượt cầu, giá không nhích lên được. Khi lỗ vốn quá nhiều, nông dân phải giảm đàn hoặc treo chuồng. Trong lúc đó, doanh nghiệp vẫn tái đàn đều đặn”, ông Quang tiếp lời.
Khảo sát của phóng viên Dân Việt cho thấy, giá lợn hơi hôm nay 9.8 tại nhiều vùng chăn nuôi của miền Bắc dao động trong khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Quang
Sau đó, doanh nghiệp sẽ ngắt hết các nguồn cung cấp ra thị trường để làm biến động giả, đẩy giá lên. Qua tháng sau, “mấy ông lớn” này lại thay đổi giá bán ra theo kiểu “té nước theo mưa”. Từ đó, chính họ mới là người điều khiển thị trường chứ không phải chuyện bán sang Trung Quốc hay mưa bão. Chưa kể, những lúc giá cả biến động mạnh, những người bán không có hợp đồng tiêu thụ thì chấp nhận… chịu chết.
“Các doanh nghiệp có quy mô chăn nuôi lớn nên có thể ém hàng lại để thị trường khan hiếm giả tạo trong 1 – 2 tuần, hoặc là xả ra ồ ạt khi thị trường nóng để giữ giá tạm ổn định. Đó là chiến lược kinh doanh, không hề vi phạm pháp luật”, ông Trần Hữu Trung – Tổ trưởng Tổ Chăn nuôi lợn VietGAHP ở xã Gia Tân 2 (Thống Nhất, Đồng Nai) nói.
Doanh nghiệp đổ tại nông dân
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi bức xúc vì “mấy doanh nghiệp lớn” điều khiển thị trường thì ngược lại, một số doanh nghiệp FDI lại cho rằng, việc thị trường biến động cũng bắt nguồn từ chính người chăn nuôi.
Lo ngại, giá lợn giảm sâu, gia đình anh Trần Duy Thế ở xóm mới, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đang phải giảm dần đàn nái và lợn thịt. Ảnh: Trần Quang
Trả lời báo chí trước đó, đại diện phía Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng việc giá lợn tăng giảm đột ngột có nguyên nhân từ tâm lý của người chăn nuôi. Khi giá tăng, nhiều người giữ đàn lại để chờ giá cao hơn nữa. Nguồn cung bị giảm ở một số thời điểm khiến giá lợn hơi liên tục bị đẩy lên. Đến một mức không thể tăng được nữa thì nông hộ mới ồ ạt bán ra khiến cho giá lợn hơi giảm xuống. Càng đua nhau bán thì giá càng xuống tiếp.
Theo ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc C.P, việc “làm giá” của các doanh nghiệp lớn là rất khó xảy ra. Tổng số lượng lợn nuôi của C.P chỉ chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước, khả năng điều tiết giá thị trường của doanh nghiệp là điều không thể. Thế nhưng ông Huy cũng thừa nhận, các thương lái, người chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn thường lấy giá niêm yết của C.P làm cơ sở định giá lợn hơi.
Giá heo hơi hôm nay tại các địa phương dao động từ 33.000 – 35.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Quang
“Lợn nuôi của C.P được đảm bảo theo nhiều tiêu chí nên giá thành thường cao hơn so với thị trường khiến nhiều người cho rằng có sự thổi giá từ phía doanh nghiệp”, ông này nói.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Hậu - chủ trại lợn ở huyện Long Thành (Đồng Nai), khi thị trường xuống giá chung, các doanh nghiệp chăn nuôi chưa chắc lợi lộc nhiều vì chính họ cũng tiêu thụ sản phẩm của mình với giá thấp, trừ các đơn vị có ngành chế biến thực phẩm hoặc sản xuất cám đi liền để bù lỗ.
Nhưng cũng theo ông Hậu, bù lại, các “ông lớn” này cũng đang thực hiện nghĩa vụ xã hội khi đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong các nhà máy, công xưởng, đem lại lợi ích khác về mặt vĩ mô mà nông dân không nhìn thấy ngoài thiệt hại của bản thân. Như thế mới cần sự liên kết các nông hộ, giữa các doanh nghiệp trong nước để đủ sức đối chọi, cạnh tranh với đối thủ lớn. Đây cũng là động lực của nền kinh tế nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.
Ông Nguyễn Bá Minh, chủ trại lợn ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho rằng, cách chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông dân mang tính “đong gạo từng ngày” nên việc “ganh tị” cũng khó tránh khỏi. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư lớn nên khi thắng thì họ thắng lớn, chiếm ưu thế hơn trong cơ cấu kinh tế. Khi đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào là phải chấp nhận có trong cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé”, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ thua thiệt nếu không biết cách sống chung. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn