Đưa máy gặt đập liên hợp về tỉnh
“Tôi làm Chi hội trưởng ND thôn Vinh Quang Thượng vào đầu năm 2009. Là cán bộ hội thì phải lắng nghe hội viên cần gì. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, hội viên kiến nghị rằng họ cần máy móc, khoa học kỹ thuật để trồng lúa, chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp. Tôi nghĩ sẽ thực hiện cho được ước muốn của bà con” - ông Thương nhớ lại.
Sau chuyến đi ấy, ông làm đơn vay vốn ngân hàng, mượn của anh em họ hàng mỗi người một ít, hùn vốn với ông Thông mua ngay chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 200 triệu đồng. Ngày chiếc máy gặt chạy giữa đồng, không chỉ trong xã, mà bà con nhiều nơi trong tỉnh cũng đổ tới xem.
Từ chiếc máy gặt đầu tiên của ông Chi hội trưởng, bà con ND thấy hiệu quả kinh tế cao nên đầu tư mua sắm. Đến nay, chỉ riêng xã Gio Quang đã có 22 chiếc máy gặt đập liên hợp, 500 máy cày, máy phay… Gio Quang trở thành vựa lúa lớn nhất huyện Gio Linh, 100% ND đã cơ giới hóa nông nghiệp.
“Muốn làm tốt, phải yêu việc mình làm”
Đó là điều đầu tiên ông Thương khẳng định khi nói về công tác Hội ND.
Năm 2009, ông Thương cũng là người đầu tiên trong xã đi học lớp trung cấp thú y, sau đó trở thành thú y viên phục vụ bà con ND trong xã chăn nuôi. Thấy bà con làm ăn manh mún, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, ông Thương lại tự động đi học các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, đi khắp nơi tham quan các trang trại, gia trại; mua sách, báo về đọc.
Chưa hết, năm 2010 ông Thương là người đầu tiên trong xã nối mạng Internet để tìm hiểu những mô hình hay, cách làm hiệu quả rồi truyền đạt cho bà con mở rộng sản xuất, lập trang trại lớn hơn.
Khi ND trong thôn học theo ông chăn nuôi lợn thịt số lượng lớn, thì vấn đề môi trường trở thành nỗi lo. Tìm hiểu sách báo, ông Thương lại trở thành người đầu tiên trong xã xây dựng hầm biogas, rồi vận động người chăn nuôi trong xã làm theo.
“Mình phải có kiến thức để chỉ cho hội viên cái hay, cái đúng, cách làm ăn có hiệu quả. Khi họ ăn nên làm ra nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của mình thì họ sẽ tin mình và tự nguyện vào Hội, hoạt động tích cực” – ông Thương chia sẻ.