* Đo hiệu quả bằng đồng tiền, bát gạo thì chưa đủ
Với 1,2 triệu người sống ở khu vực nông thôn, số lượng LĐNT được đào tạo nghề nông nghiệp tuy chưa nhiều nhưng rất có ý nghĩa.
Không chỉ nông dân hưởng lợi
Ông Lê Sỹ Cương, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết: "Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khuyến nông có kỹ năng sư phạm dạy nghề với tổng số 80 người, trong đó đa phần là khuyến nông viên cơ sở. Họ sống ngay tại địa bàn dân cư nên nắm bắt được nhu cầu học tập thiết thực của LĐNT; tập hợp và tổ chức lớp trúng và thuận lợi hơn".
Đến hết tháng 6/2014, Trung tâm KN Hải Dương đã tổ chức được 46 lớp học nghề nông nghiệp với 1.610 người tham gia. Các nghề gồm: Trồng lúa năng suất cao; trồng và chăm sóc chè; trồng rau an toàn; trồng cây ăn quả; quản lý dịch hại tổng hợp; nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học; sử dụng thuốc thú y; nuôi cá nước ngọt; chẩn đoán nhanh bệnh của động vật, thuỷ sản…
Cũng theo ông Cương, xét về tính hiệu quả của dạy nghề nông nghiệp, chúng ta cần lưu ý tới cả 2 khía cạnh: Lợi ích thiết thực của người nông dân và lợi ích của toàn xã hội. Bởi, nông nghiệp là một nghề nhạy cảm, sản phẩm của người nông dân làm ra trước hết để nuôi sống 90 triệu dân Việt Nam. Nếu hạt gạo, cây rau, con cá, con tôm, con gà… đến với người tiêu dùng mà không đảm bảo ATVSTP thì rất nguy hiểm, chi phí cho dịch vụ y tế tăng lên, tuổi thọ con người giảm xuống và nhiều hệ luỵ khó lường khác.
Ngược lại, nếu khối lượng thực phẩm sạch ngày càng tăng thì sức khỏe con người sẽ được nâng lên, mang lại lợi ích xã hội là rất lớn. Những thứ đó khó có thể quy đổi ra đồng tiền, bát gạo.
Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu được sang những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản… thì nông sản của nước ta phải đáp ứng được rất nhiều rào cản kỹ thuật, mà cách làm nông nghiệp dựa theo kinh nghiệm và thói quen của người Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Cương kể: “Có người từng bảo rằng, cầm chứng chỉ học nghề nông nghiệp không đi xin việc ở đâu được, cuối cùng vẫn là cấy lúa, nuôi lợn trên thửa ruộng, mảnh đất của mình. Anh ta nói không sai, nhưng mới đúng một phần. Bởi, một tấm chứng chỉ thực chất là bằng chứng chứng minh một người nào đó đã kiến thức khá căn bản về nghề đã học. Vẫn đồng đất ấy, thửa ruộng ấy nhưng sau khi được học nghề nông, anh ta biết rằng đối với giống lúa này chỉ cần gieo 8 lạng thóc thay vì 2 kg như trước.
Anh biết cấy đúng mật độ để cây sinh trưởng phát triển tốt, tránh bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá…; biết bón phân như thế nào là đủ, không cần bón lai dai mất thời gian; rồi biết điều tiết nước hợp lý cho cây lúa đẻ nhánh hữu hiệu; sử dụng thuốc BVTV thế nào cho đúng... Như vậy, tiêu hao chi phí đầu vào giảm xuống, năng suất cao hơn và thu nhập tăng lên
Người trồng rau an toàn biết rằng không chỉ phun thuốc sâu quá mức mới dẫn đến ngộ độc, mà ngay cả bón đạm không đúng cách cũng đe dọa mạng sống của người tiêu dùng. Ngành chăn nuôi cũng vậy, nông dân phải hiểu biết về kiến thức tiêm phòng vắc xin, chăm sóc vật nuôi và xử lý hiệu quả chất thải gia súc, gia cầm để bảo vệ môi trường,… thì hiệu quả SX mới bền vững được”.
Chị Phạm Thị Việt Hà, khuyến nông viên xã Liên Mạc chia sẻ: "Ngày trước nông dân trong xã mệnh ai người ấy làm nên rất khó xây dựng thương hiệu ổi sạch Liên Mạc. Bây giờ, kiến thức trồng cây ăn quả của người dân được nâng cao rồi, chúng tôi đang xây dựng mô hình ổi VietGAP và hướng vào những siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội". |
Tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, những lớp học nghề nông nghiệp cho LĐNT đã tạo ra chuyển biến rất tích cực. Ông Nguyễn Văn Bóng, Chủ tịch xã Liên Mạc cho biết: "Từ năm 2000 đến nay, 100% hộ gia đình trong xã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ổi trái vụ với diện tích 448 ha. Sản phẩm của địa phương được thị trường Hà Nội ưa chuộng. Tuy nhiên, vì không biết chăm sóc nên cây ổi bị thoái hoá rất nhanh, 3 - 4 năm lại phải trồng mới một lần.
Người dân nhận biết dấu hiệu sâu bệnh kém, pha chế thuốc cũng không biết cách, cứ đổ ào ào 3 - 4 loại thuốc vào một bình rồi phun. Họ không hiểu rằng phải cho thuốc dạng bột vào trước, thuốc dạng sữa vào sau rồi cuối cùng đến thuốc dạng lỏng thì mới phát huy hết công dụng. Sau khi được cán bộ khuyến nông dạy về kỹ thuật trồng ổi và quản lý dịch hại tổng hợp, nhiều nông dân đã nắm rất vững về vấn đề sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng".
Bà Phạm Thị Báu, nông dân trồng ổi xã Liên Mạc tâm sự: “Nhà tôi có hơn 1 mẫu ổi, trước đây gia đình tôi trồng ổi cũng chẳng khác gì trồng vải, trồng xoài, cứ tưới nước, đổ phân chuồng vào là xong. Sau khi học nghề trồng ổi, tôi chỉ cần một thẻ quỳ tím là có thể biết chất đất này chua hay mặn để điều chỉnh phân đạm cho hợp lý.
Từng thời điểm phải bón những loại phân phù hợp. Ví dụ cây con bón chủ yếu phân lân, thời kỳ bón thúc tăng lượng phân tổng hợp. Đến lúc có quả thì tăng lượng kali. Muốn thu hoạch ổi lúc nào cũng được, chỉ cần tỉa cành và chăm bón đúng kỹ thuật. Vụ ổi vừa rồi nhà tôi thắng to, lãi 80 triệu đồng”.
Cần đầu tư đúng mức cho khuyến nông
Ông Lê Sỹ Cương cho biết, từ năm 2012 Trung tâm KN Hải Dương chính thức trở thành một cơ sở dạy nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng học viên được đào tạo vẫn chưa tương xứng yêu cầu của thực tiễn do vướng nhiều khó khăn.
Thứ nhất, Trung tâm KN là đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước bao cấp hoàn toàn và không có thu, vì thế không được quyền ký lao động ngoài. Mặt khác, dạy nghề nông nghiệp chỉ là một trong 10 nhiệm vụ của khuyến nông, do đó nếu người của trung tâm đi dạy mỗi tháng 22 ngày thì không có ai thực hiện các nhiệm vụ còn lại như xây dựng mô hình, chuyển giao KHKT, tập huấn tuyên truyền nông dân và các hoạt động khác.
Thứ hai, có thời điểm một huyện mở 2 - 3 lớp dạy nghề cùng một chuyên môn, buộc trung tâm phải huy động giáo viên từ huyện khác sang. Nhưng vì phụ cấp cho dạy nghề thấp, nhiều người đã từ chối bởi số tiền họ nhận được không bù đắp được chất xám mà họ bỏ ra và hao phí xăng xe, đi lại.
Thứ 3, về cơ sở vật chất kỹ thuật, trung tâm chỉ có 7 phòng làm việc và một hội trường. Nếu nâng cấp lên để trở thành một trung tâm dạy nghề thì cần phải tăng cường nguồn lực để hỗ trợ về cơ sở vật chất. Phương tiện dạy học của trung tâm cũng cực kỳ hãn hữu, gom nhiều nguồn kinh phí khác nhau mới mua được hệ thống tin học. Cái máy tính may lắm thì dùng đến 5 năm là hết đát. Đầu chiếu có huyện dùng vài ba năm còn giữ được, nhưng có huyện thì hỏng.
Trên trung tâm cũng chỉ có 2 chiếc máy chiếu. Nếu có 5 lớp dạy nghề thì chỉ có 2 lớp được sử dụng thôi, 3 giáo viên còn lại phải dạy "tay bo", dùng bút, phấn để viết, vẽ lên giấy A0, lên bảng. Cán bộ kỹ thuật ở tỉnh, ở huyện chúng tôi chỉ có 2 chân hai tay và cái đầu cùng lòng nhiệt huyết để đi dạy thì chưa đủ.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn