“Giếng trời” tăng năng suất
Trang trại bơ Đức Mạnh của ông Tắc ở thôn 4 (xã Lộc Phú - Bảo Lâm) với hơn 1.100 cây bơ (7 năm tuổi) ghép giống 034 đang độ thời kỳ kinh doanh. Năm 2017, trang trại bơ đạt tổng sản lượng 50 tấn, đây là mức khá cao so với năng suất trung bình cả khu vực Tây Nguyên, song vẫn chưa thỏa mãn đối với chủ nhân Nguyễn Văn Tắc.
Ông Tắc nói: “Mùa bơ năm 2017, Trang trại bơ Đức Mạnh của gia đình tôi thiếu những chiếc “giếng trời” nên khả năng quang hợp ánh sáng không đồng đều trên từng hàng cây, dẫn đến năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng 45kg/cây…”.
Nói xong, ông Tắc cầm chiếc dao phát dài ngoằng vẫy tay ra hiệu tôi ra vườn bơ để nhận diện chiếc “giếng trời”. Hoa bơ đang vào mùa, trên cành hoa bung nở căng đầy những chùm nhụy sữa chen chúc với từng chùm trái nhỏ bằng đầu ngón tay út, bất ngờ ông Tắc đốn hạ một trong những cành cây đang phủ lá xanh um, để lại một khoảng trống giữa 2 ngọn cây với đường kính ước chừng hơn 2 mét. “Giếng trời đấy. Nếu không chặt bỏ bớt một số cành trong thời điểm này thì cây phát tán rậm rạp và không tạo ra giếng trời cho môi trường canh tác thông thoáng, làm giảm năng suất và chất lượng trái thu hoạch…”, ông Tắc nói và chỉ tay hướng mắt lên không gian giếng trời đón nắng, đón gió giữa những tán cây trong trang trại bơ của mình.
Mặc dù ông Tắc chưa hài lòng với sản lượng bơ 034 đạt 50 tấn/1.100 cây (năm 2017), nhưng so với năm 2016 thì sản lượng này đã tăng hơn 20 tấn.
7 năm trước, được giao quyền sử dụng 8ha đất trồng cây rừng tràm giá trị kinh tế thấp, sau một thời gian ngắn trăn trở, nghĩ suy, ông Tắc quyết định chuyển đổi xuống giống trồng phủ xanh thuần cây bơ 034 giống ghép, mật độ hơn 270 cây/ha.
“Tôi chọn giống bơ 034 đặc hữu của vùng đất Bảo Lâm, vì chất lượng thơm ngon đặc biệt, cơm vàng hạt lép, hình dáng trái bơ thuôn dài khác lạ, vỏ bơ xanh bóng hơn so với các giống bơ đang canh tác trên nhiều vùng nông nghiệp trong nước…”, ông Tắc chia sẻ.
Bí kíp trồng bơ trái vụ
Cây bơ giống 034 được phát hiện vào đầu năm 1991 và được trồng trong khu vườn cà phê của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dậu (sinh năm 1969) ở thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm. Đến năm 2009, anh Dậu đưa giống bơ đến Bảo Lộc thi với mã số 034, đoạt giải “quán quân” trước hàng trăm “đối thủ bơ” chất lượng cao trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, bơ 034 Lâm Đồng được khách hàng khắp nơi trong nước tìm mua nhưng không đủ số lượng để bán, vì diện tích canh tác còn hạn chế. Trước dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ bơ 034 với tiềm năng khá lớn, năm 2011, ông Tắc đặt trước chủ vườn Nguyễn Văn Dậu mua đủ 2.200 cây ghép giống bơ 034 để trồng trên 8ha đất tọa lạc ở xã Lộc Phú.
Sau 4 năm chăm sóc, 8ha bơ 034 ra trái bói đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, ông Tắc chuyển giao một nửa diện tích (4ha) cho một hộ thân quen. Đến nay, với 4ha bơ còn lại, ông Tắc xây dựng quy trình kỹ thuật hiệu quả, ngày càng giảm công lao động. Cụ thể, bên cạnh các biện pháp sinh học tỉa cành, tạo tán, cải tạo đất tơi xốp…, ông Tắc ưu tiên tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giúp cây đề kháng nhiều loại bệnh hại bằng các phương pháp canh tác mới gồm: sử dụng phần lớn lượng phân bón hữu cơ vi sinh, thay thế để giảm dần với mức thấp nhất lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, bơ 034 Lâm Đồng không chỉ liên tục tăng sản lượng, mà còn nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, đạt chuẩn an toàn thực phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
“Mùa bơ năm 2018, trang trại bơ của gia đình bước vào thu hoạch trái vụ trong tháng 7 - 8, chậm hơn 1-2 tháng so với vụ mùa thu rộ của vùng nguyên liệu bơ Tây Nguyên. Gia đình sẽ tiếp tục chia sẻ quy trình canh tác mới này và chuyển giao cho người trồng bơ nếu có nhu cầu học hỏi…”, ông Tắc nói.