Trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức đã chủ động đánh thức tiềm năng, phát huy nội lực, đồng thời kêu gọi sự đầu tư, giúp đỡ từ bên ngoài. Hướng đi đúng đắn mang đến cơ hội “vàng” cho huyện tiếp tục bứt phá, vươn lên.
Bền bỉ vượt qua khó khăn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, những năm trước, dù được biết đến là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh, làng nghề truyền thống, người dân chăm chỉ lao động nhưng Mỹ Đức vẫn là huyện nghèo. Vào cuối năm 2007, thu nhập bình quân mới đạt 5,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo lên tới 16,73%...
Đó là vì những tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác triệt để do hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ còn nhiều hạn chế; các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp hoạt động manh mún, quy mô nhỏ, lẻ. Sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, năng suất thấp. Người dân tham gia làm du lịch mang tính mùa vụ, thiếu chuyên nghiệp…
|
Đường hoa ở xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. |
Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức quyết tâm, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên cho phát triển du lịch, dịch vụ… Cùng với các giải pháp phát huy sức mạnh nội lực, huyện Mỹ Đức nhận được sự quan tâm, đầu tư ngày càng đầy đủ, toàn diện của các cấp, ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mỹ Đức đều có sự phát triển mang tính bứt phá.
Trong giai đoạn 2008-2017, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng trung bình 74%/năm; đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tăng 47,7%/năm; tổng thu, chi ngân sách của huyện và các xã, thị trấn tăng trung bình hơn 49%/năm. Khu di tích lịch sử và danh thắng Hương Sơn, khu du lịch hồ Quan Sơn… đón khoảng 1,4 triệu lượt khách/năm, thu về hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, 21/21 xã trên địa bàn huyện đã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 9 xã đã đạt 19/19 tiêu chí, 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2 xã còn lại đạt từ 12 đến 14 tiêu chí. Hộ nghèo trên địa bàn được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo. Riêng năm 2018, huyện Mỹ Đức có 338 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 13,5 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, 100% số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ đã có nhà ở mới. “Không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo nhà đổ sập, các thành viên trong gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất”, anh Nguyễn Minh Cường, thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm cho hay.
Đến huyện Mỹ Đức hôm nay, những con đường đất, đá gập ghềnh, lầy lội xưa kia được thay bằng những tuyến đường nhựa, đường bê tông phẳng lì, rợp bóng cây xanh. Một số xã như An Mỹ, Lê Thanh, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Bột Xuyên, Hồng Sơn… còn trồng hoa trên nhiều tuyến đường, tạo thành những đường hoa đẹp mắt. Xã nào cũng có trường học, trạm y tế khang trang, sạch sẽ, có nhà văn hóa, sân chơi hấp dẫn.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mỹ Đức giảm còn khoảng 4%, thu nhập bình quân tăng lên hơn 34 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 6 lần so với năm 2007). Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm
Từ những thành công nói trên, trong những năm tiếp theo, huyện Mỹ Đức tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng, hiệu quả. Các xã, thị trấn sôi nổi với phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Đặc biệt, mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, chiếm khoảng 40% cơ cấu kinh tế của huyện, có tốc độ tăng trưởng bình quân 13,6%/năm sẽ được hiện thực hóa bằng những giải pháp đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Chương trình phát triển du lịch huyện Mỹ Đức giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” vừa được UBND huyện phê duyệt tại Văn bản số 1271/CTr-UBND ngày 12-9-2018. Dự kiến, đến năm 2020, huyện Mỹ Đức sẽ có thêm một số điểm du lịch sinh thái như: An Phú - đầm sen, khu hoa tam giác mạch; hồ Tuy Lai; hồ Quan Sơn - dịch vụ tham quan, chụp ảnh, câu cá, ẩm thực…
Các sản phẩm du lịch sẽ hình thành trong tương lai không xa là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương Sơn với diện tích 175ha; khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn với diện tích 1.465ha, trong đó có 500ha mặt hồ; khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai với diện tích 1.360ha…
Theo hướng này, huyện Mỹ Đức sẽ đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các khu, điểm du lịch; nâng cấp hạ tầng tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện sẽ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân sở tại nhằm tận dụng nguồn nhân lực sẵn có phục vụ cho sự phát triển.
Hy vọng, với hướng đi đúng, quyết tâm cao, những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mỹ Đức sớm trở thành hiện thực.
Theo Minh Ngọc/báo HNM.vn