Mô hình sản xuất chè liên kết theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Ảnh nguồn: Internet
Tạo liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm
Ngoài việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự... chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo “cú hích” trong xây dựng phát triển kinh tế, lấy trọng tâm là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân - đó thực sự trở thành hướng đi bền vững.
Điều đặc biệt tại Thái Nguyên là việc triển khai xây dựng NTM theo các chương trình, dự án, mô hình… đã trực tiếp chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, nhất là khoa học và công nghệ cao vào phát triển sản xuất; khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Trên cơ sở đó, tại hầu hết các huyện, thành phố của Thái Nguyên đều đã bước đầu hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tại các mô hình này, người nông dân - những chủ thể xây dựng NTM đã được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận và làm chủ các tiến bộ kỹ thuật giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập; đồng thời, sản phẩm tạo ra cũng được bảo đảm tiêu thụ ổn định về sản lượng, giá bán… Điển hình là các mô hình sản xuất chè liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng tại các xã như Tân Cương, TP Thái Nguyên; xã La Bằng, huyện Đại Từ; thị trấn Sông Cầu và xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ...
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Thái Nguyên có tới 138/143 xã (96,5%) đạt dưới 10 tiêu chí, chỉ có 5/143 xã (3,5%) đạt từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 14,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao (20,57%).
Năm 2017, TP Thái Nguyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên đạt chuẩn NTM.
Tăng thu nhập bền vững
Trọng tâm là đẩy nhanh sản xuất, NTM đã tạo bước khởi sắc cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó hiệu quả lớn nhất chính là giúp người dân phát triển toàn diện đời sống, vừa tăng thu nhập vừa bảo đảm tốt hơn các điều kiện về văn hóa tinh thần…
Khi lợi ích được chia sẻ đồng đều, giá trị gia tăng của các sản phẩm được tăng lên, có tính cạnh tranh và hiệu quả bền vững đã góp phần tạo nên một diện mạo NTM có nhiều đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, trong thực hiện xây dựng NTM, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, như: Hỗ trợ cho các xã điểm (giai đoạn 2013 - 2015) 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã xây dựng các công trình hạ tầng NTM.
Từ năm 2012, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ từ 50.000 - 60.000 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ cho các mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ. Ban hành và thống nhất thực hiện các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: Đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; nhà văn hóa xã, xóm; thủ tục, thanh quyết toán…,Thực hiện đồng bộ Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”…
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã tác động rất tích cực đến đời sống người dân nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đã tăng từ 14,28 triệu đồng (năm 2010) lên 26,2 triệu đồng (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đặc biệt là ở các xã sớm “về đích” NTM.
Bảo Anh/http://thanhtra.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn