Nhiều năm nay, Song An luôn dẫn đầu các xã trong huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Với biện pháp luân canh 4 vụ/năm, giúp đưa giá trị sản xuất bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Cùng Chủ nhiệm HTX DVNN, chúng tôi xuống cánh đồng thôn Gián Nghị, gặp bác Nguyễn Văn Kiên đang san ruộng chuẩn bị cấy lúa mùa, bác cho biết: Nông dân Song An vừa được mùa dưa lê nên rất phấn khởi bước vào gieo cấy vụ mùa trà sớm. Với 2 sào dưa lê trồng trên đất 2 lúa, gia đình bác đã thu về gần 5 triệu đồng.
Năm nay, thu hoạch dưa tới đâu, thương lái về mua ngay tại ruộng tới đó, không phải mang đi bán lẻ như vụ trước. Gần ruộng nhà bác Kiên, bác Liên chia sẻ thêm: Cây dưa lê rất dễ trồng, thích hợp với đồng đất Song An. Trước khi thu hoạch lúa xuân từ 10 - 15 ngày, nông dân tra hạt làm bầu. Khi lúa chín được 90 - 95%, tiến hành gặt trước 1 hàng lúa và đặt bầu dưa, lúc này cây dưa trong bầu đã cao 7 - 10 cm. Cây dưa không đòi hỏi chăm bón nhiều như các cây trồng khác, cả vụ chỉ cần 12 - 15 kg lân, 7 - 10 kg đạm, 2 - 3 kg kali/sào là đủ cho cây dưa phát triển tốt. Với thời vụ khoảng 45 ngày, sau thu hoạch nông dân vẫn kịp cấy lúa mùa sớm. Qua trao đổi, ông Trương Nhất Chiến, Chủ nhiệm HTX DVNN Song An cho biết: Với năng suất trung bình 4 tạ quả/sào, giá thị trường 6.000 - 7.000 đồng/kg, gần 150 ha dưa lê vụ hè của nông dân xã Song An thu về hơn 3,5 tỷ đồng. Niềm vui được mùa dưa lê giúp nông dân hăng hái bắt tay vào gieo cấy lúa mùa sớm để tạo quỹ đất cho sản xuất vụ đông ưa ấm.
Vụ mùa năm 2013, Song An phấn đấu gieo cấy 300 ha, năng suất bình quân 62 tạ/ha. Xã chủ trương mở rộng diện tích lúa mùa sớm, kết thúc nhanh gọn thời vụ gieo cấy. Chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tập trung gieo cấy các giống ngắn ngày năng suất cao như TBR1, BC15 và các giống chất lượng cao N97, TBR45, KoShi, ÐS1... Tiếp thu khảo nghiệm một số giống lúa ngắn ngày để đưa vào cơ cấu trà sớm. Trước khi bước vào sản xuất vụ mùa, HTX DVNN, Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến từng hộ theo địa bàn thôn. Ðồng thời, HTX thường xuyên thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đề án sản xuất vụ mùa, giúp nông dân tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ. Riêng cánh đồng mẫu được quy hoạch tại cánh đồng Nam Bắc Hồng của 4 thôn (Kiều Thần, Gián Nghị, Tân An, Tân Minh) với diện tích 50 ha, bố trí cấy cùng một loại giống và được hỗ trợ 100% tiền giống. Người dân phấn khởi với cơ chế hỗ trợ sản xuất, tập trung nhân lực ra đồng sản xuất vụ mùa. Các phương tiện cơ giới: máy làm đất, máy bơm được huy động tối đa trong những ngày mùa vụ gấp rút.
Ðiểm tựa quan trọng của nông dân Song An đó là HTX dịch vụ nông nghiệp, hiện đảm nhiệm 6 khâu dịch vụ. HTX tham mưu cho UBND xã quy hoạch chỉnh trang hệ thống giao thông thủy lợi, trích kinh phí tự xây mới các cống bi, hàng năm đầu tư hàng trăm triệu đồng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí và xã viên góp để hoàn thiện hệ thống tưới tiêu đáp ứng nhu cầu canh tác. Vụ mùa năm nay, HTX DVNN nhập trên 100 tấn phân lân cung ứng cho bà con nông dân, thường xuyên hướng dẫn xã viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Thời vụ khẩn trương, cấp ủy, chính quyền, Ban quản trị HTX hàng ngày bám đồng, chỉ đạo bảo đảm cơ cấu giống, tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ để người dân thấm nhuần phương thức luân canh: xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông rộng.
Thực tế ở Song An, có thể khẳng định sẽ không có sự luân canh 4 vụ/năm nếu cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Bên cạnh đó, vai trò tiền phong gương mẫu của các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên... cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những mùa vụ bội thu.
Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Nguồn: baothaibinh.com.vn