08:07 EST Thứ tư, 25/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Ngoài tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Làm giàu từ chuối, cà chua, cá tầm...

Thứ hai - 24/02/2014 01:49
Một chàng kỹ sư bỏ viện nghiên cứu ra lập trang trại tạo giống chuối khiến các công ty trồng chuối Philippines phải nể phục đặt mua. Một doanh nghiệp Đà Lạt sang Úc học công nghệ trồng cà chua để cuối cùng cho năng suất cao gấp 3-4 lần lối canh tác thông thường.
 

Những cây chuối cấy mô sau một năm cấy và ươm nuôi này sẽ được anh Trần Danh Thế xuất bán - Ảnh: Nguyễn Trí

Hàng loạt mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp mày mò, triển khai đã cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với kiểu làm nông truyền thống. Mặc dù vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, thử nghiệm, nhưng các mô hình này đang mở ra cho nông thôn VN một cơ hội làm ăn mới.

 

Giống chuối cấy mô 20 ngày tuổi trong lọ thủy tinh - Ảnh: Nguyễn Trí
Trang trại trồng cà chua công nghệ cao trên giá thể xơ dừa với hệ thống tưới nhỏ giọt của Công ty Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh:  Trần Mạnh
Cá tầm Beluga nuôi tại hồ thủy điện Đăk Min (Bình Thuận) của Công ty cổ phần Cá tầm VN - Ảnh: T.Mạnh

 

Đó chỉ là một trong nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang xuất hiện tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản đều xuất hiện những mô hình áp dụng công nghệ cao.

Bỏ nhà nước để làm nông nghiệp

Những ngày làm trong Viện Sinh học nhiệt đới (TP.HCM), anh Trần Danh Thế chứng kiến nhiều cây giống chất lượng cao nghiên cứu ra ít được áp dụng vào thực tế, trong khi nhiều nông dân muốn đi theo con đường nông nghiệp công nghệ cao lại không biết bắt đầu từ đâu. Từ những trăn trở như thế, anh quyết định chia tay với công việc nghiên cứu mình từng ước mơ để về làm nông dân tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Lĩnh vực anh lựa chọn là tạo ra giống chuối chất lượng cao bằng phương pháp cấy mô.

Để có những cây chuối giống chất lượng cao, anh Thế đã vay mượn khắp nơi để có đủ gần 2 tỉ đồng mua đất, lập Công ty công nghệ xanh Việt, đầu tư cho nhà cấy mô vô trùng và các trang thiết bị khác. Chuối cấy mô ban đầu được lấy từ cây chuối con truyền thống qua tuyển chọn với các yêu cầu như cây mẹ không bẩn, năng suất cao, dễ phát triển, lấy cây con bên cạnh khỏe mạnh. Một cây chuối con qua hơn một năm cấy mô sẽ cho ra 2.000 cây chuối sinh học đạt chuẩn. Sau gần một năm từ lúc cấy mô trong phòng vô trùng đến đưa ra môi trường thực tế, chuối giống sẽ được xuất bán.

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra ban đầu không bán được vì nông dân chưa tin tưởng. “Năm 2011, khi những cây chuối giống cấy mô đầu tiên ra đời, tôi tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng vì thiếu vốn, không có đầu ra do nông dân còn hoài nghi” - anh Thế nhớ lại. Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh Thế liên tục đem chuối giống đi giới thiệu đến bà con nông dân và thông các cơ quan nhà nước giới thiệu, bảo lãnh tham gia hội chợ, nhờ thế nhiều nông dân biết đến và tin dùng.

Thực tế chứng minh chuối cấy mô cho năng suất 70-80 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với giống chuối truyền thống và thời gian thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng do dễ phát triển hơn vì sạch mầm bệnh. Ngoài ra, giống chuối này có tỉ lệ độ đồng đều cao, phù hợp trồng quy mô lớn. Với những ưu thế trên, nhiều người dân và các công ty trồng chuối đã bắt đầu tin tưởng sử dụng giống chuối do công ty anh Thế sản xuất. Sau gần hai năm, công ty đã cho ra sáu giống chuối cấy mô đặc trưng cho từng vùng với gần 500.000 cây được cung cấp cho thị trường cả nước giá 6.000-12.000 đồng/cây. “Thật ra số lượng này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu” - anh Thế cho hay.

Theo anh Thế, giống chuối cấy mô của anh đã được một công ty có tiếng tại Philippines (quốc gia nổi tiếng về nhiều loại chuối xuất khẩu) chuyên trồng chuối xuất khẩu qua châu Âu đặt mua cây giống với số lượng lớn nhằm đa dạng dòng chuối ở thị trường này. Ngoài ra, đối tác cũng đặt vấn đề mua khoảng 1 triệu cây giống chuối cấy mô của công ty để trồng khoảng 1.000ha chuối tại ĐBSCL.

“Họ đánh giá rất cao giống chuối của chúng tôi vì có tỉ lệ đồng đều cao, kháng bệnh tốt, ổn định về mặt di truyền và đa dạng về chủng loại giống. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa sẵn sàng để đáp ứng đơn hàng này do số lượng cây giống sản xuất còn quá ít, hiện cung cấp cho dân còn chưa đủ” - anh Thế khẳng định.

Cũng theo anh Thế, hiện 10ha chuối của anh đang vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 70 tấn/ha, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Công ty đang liên kết với nông dân lên kế hoạch xây dựng vùng trồng chuối cấy mô tập trung quy mô trên 100ha, dự kiến cho ra chuối nguyên liệu vào thời gian tới” - anh Thế dự tính.

 

Khu nhà màng khép kín với kỹ thuật tưới nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ nước ngoài được sử dụng để trồng dưa lưới, cà chua và dưa leo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Ng.Trí

 

Năng suất gấp 3-4 lần

Tương tự trường hợp anh Thế, nhận thấy tiềm năng của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp và nông dân trên khắp cả nước đang bỏ vốn đầu tư theo hướng này dù nông nghiệp nổi tiếng là ngành có rủi ro cao.

Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng rau nhưng phải đến khi được sang tham quan và học hỏi cách người Úc làm nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn, ông Nguyễn Hồng Phong - giám đốc Công ty Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng) - mới định hình rõ bước đi của công ty. “Trước đó điều kiện đất đai, khách hàng... mình đã có nhưng vẫn tư duy theo kiểu nông dân làm tạm bợ, nhỏ lẻ. Khi ra nước ngoài rồi mới thấy rõ hướng đi của nông nghiệp mình không thể mãi theo kiểu truyền thống được” - ông Phong cho biết.

Sau chuyến đi, năm 2006 ông Phong tập trung nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng nghiên cứu và nuôi cấy mô, đầu tư nhà lưới để làm cây giống và trồng cây theo công nghệ cao. Đặc biệt, Công ty Phong Thúy quyết định đầu tư hàng tỉ đồng trồng cà chua công nghệ cao trên giá thể xơ dừa với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Kết quả áp dụng theo công nghệ này đã thu được thành công lớn khi năng suất đạt tới 120 tấn/ha, gấp 3-4 lần so với trồng cà chua thường. “Trồng cà chua công nghệ cao trong nhà lưới, toàn bộ nước tưới và dinh dưỡng đều được đưa vào qua hệ thống tưới nhỏ giọt đã được lập trình sẵn nên cây ít bệnh và năng suất cao hơn nhiều” - ông Phong phân tích.

Cũng mày mò làm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng ông Đinh Viết Thành (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) lại xuất phát từ những lo ngại của người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên ông quyết đầu tư làm nông nghiệp sạch với diện tích trang trại trên 9,5ha. Để tìm chuyên gia phụ trách kỹ thuật cho trang trại để canh tác theo phương thức hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học và các hóa chất tăng trưởng), ông Thành đã vào tận Đà Lạt. Sau hơn nửa năm đầu tư, từ một vùng đất hoang sơ nay đã thành một trang trại quy mô hiện đại và các sản phẩm đầu tiên chuẩn bị cho thu hoạch.

Ông Đặng Thế Giang, phụ trách kỹ thuật của trang trại, cho biết ban đầu trang trại triển khai diện tích 1,5ha làm nhà kính và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt netafin của Israel để trồng các loại cà chua, ớt, xà lách, hành tỏi, cà tím... Còn quy trình canh tác tại trang trại này áp dụng theo phương thức canh tác hữu cơ của Nhật Bản mà ông Giang đeo đuổi nhiều năm qua. “Hiện sản phẩm của trang trại chưa đến kỳ thu hoạch nhưng đã có những siêu thị và nhà phân phối lớn đến đặt hàng” - ông Giang cho biết.

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều công ty cũng đầu tư máy móc hiện đại và thuê cả các chuyên gia nước ngoài về nghiên cứu nhằm tạo ra những đột phá trong sản phẩm, trong đó có những thành phẩm mà trước đây người ta cho rằng VN không có lợi thế.

Điển hình như Công ty cổ phần Cá tầm VN đã thuê các chuyên gia Nga (cái nôi của cá tầm thế giới) sang làm việc để sinh sản và ấp nở thành công cá tầm Nga tại VN. Hiện nay, đơn vị này đã sở hữu đàn cá tầm trên 500.000 con tại nhiều hồ nước trên toàn quốc. Đặc biệt đơn vị này đang sở hữu các giống cá tầm Beluga quý hiếm cho trứng với giá trị hàng ngàn USD mỗi ký. “Từ một quốc gia không có cá tầm, đến nay VN trở thành cường quốc về cá tầm tự nhiên và trứng cá tầm của thế giới” - ông Lê Anh Đức, chủ tịch công ty, cho hay.

Tương tự như vậy, Công ty cổ phần Việt - Úc (Bình Thuận) thời gian qua thuê các chuyên gia từ Úc nghiên cứu tạo ra giống tôm thẻ chân trắng năng suất cao, ít dịch bệnh, thích nghi với điều kiện VN. Sau hơn mười năm, đến nay Việt - Úc đã có nhà máy sản xuất tôm giống tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Bạc Liêu... với hàng chục tỉ tôm giống ra thị trường mỗi năm, cạnh tranh được với các tôm giống nhập ngoại.

TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ

TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ

 

 

Có kiến thức về nông nghiệp mới thành công

Năm 2009 ông N.T.T. (TP.HCM) đầu tư 25 tỉ đồng để xây dựng trại gà lạnh quy mô trên 100.000 con tại Long Thành (Đồng Nai) với công nghệ hiện đại như hệ thống điều hòa, thông gió của Thái Lan, hệ thống cho ăn tự động của Đức...

Sau thời gian đầu hoạt động hiệu quả thì hai năm sau trang trại phát sinh vấn đề như năng suất giảm, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn tăng và gà mắc bệnh nhiều hơn. Theo đó, nguồn thu của trang trại không đảm bảo như dự tính ban đầu. Sau một năm hoạt động không hiệu quả, ông T. quyết định bán chuồng trại này cho một đơn vị chăn nuôi nước ngoài, đồng thời từ bỏ luôn giấc mơ đầu tư vào nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, khác với công nghiệp, nông nghiệp canh tác các đối tượng sinh học (cây, con) nên ngay cả khi áp dụng công nghệ cao cũng chưa chắc chắn thành công. Đối với quy mô nhỏ, người đầu tư vào nông nghiệp phải có kiến thức về nông nghiệp và phải gắn liền với chuồng trại của mình, nếu không sẽ thất bại. Còn với các công ty lớn phải có hệ thống quản lý chặt chẽ và sự trợ giúp của các chuyên gia nông nghiệp mới đem đến thành công.

 

 

 

* GS Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Úc, Trường Khoa học ứng dụng, ĐH RMIT, Úc):

Cánh cửa để nông sản Việt ra thế giới

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp VN tạo ra giá trị đột phá. Với quy trình này, chất lượng sản phẩm nông sản VN sẽ được nâng cao cả về mẫu mã, chủng loại lẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, nông sản VN xuất khẩu chủ yếu về lượng nhưng chất lượng kém nên giá trị thu về thấp, nhiều sản phẩm không xuất khẩu được vào các thị trường cao cấp do vướng hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ là yêu cầu đối với nông sản cung cấp cho thị trường nội địa, mà quan trọng hơn nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với chất lượng cao sẽ tạo cơ hội để nông sản VN vươn ra toàn cầu.

Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều chính sách thu hút và hỗ trợ nên các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp VN vẫn chủ yếu là tự phát và manh mún. VN cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực mà VN có lợi thế này.
 

Nguồn tuoitre.vn



Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 247


Hôm nayHôm nay : 42027

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1101287

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72783996