Anh Nguyễn Đức Trọng (sinh năm 1988), phố Châu Thới, phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương tốt nghiệp một trường đào tạo lập trình viên. Tai nạn từ năm 6 tuổi khiến một cánh tay của anh bị tật. Ra trường, anh xin việc khá khó khăn. Có sở thích nuôi gà chọi nên anh Trọng hay mua sâu gạo (còn gọi là sâu super worm) về cho ăn. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng học cách nuôi loại côn trùng này để phục vụ thú nuôi cá rồng hoặc chim quý hiếm.
Anh Trọng đến một số trang trại để học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào nuôi sâu được hơn 3 năm nay. Khi khởi nghiệp, công việc không suôn sẻ như những gì anh tưởng tượng.
Một trong những quy trình nuôi sâu là ép con bọ để sinh ra nhộng. Ảnh minh họa |
"Mấy lứa đầu, con sâu rất khỏe mạnh, sinh sản và phát triển đều đặn. Chỉ sau một thời gian, sâu liên tục bị bệnh rồi lăn ra chết", anh Trọng cho hay. Và không ít lần anh phải "nếm trái đắng" khi một sâu chết cả đàn, thua lỗ cả chục triệu đồng. Nhiều đồng nghiệp, thậm chí người trước đây truyền nghề cho anh cũng lần lượt không nuôi loại côn trùng này nữa.
Anh dành thời gian nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài về các loại bệnh và cách chăm sóc sâu gạo. Khoảng một tháng sau, anh bắt đầu nuôi lại và ứng dụng những điều đọc từ các tài liệu đó để phòng và chữa bệnh cho sâu. Những kiến thức đó đã phát huy hiệu quả.
Từ diện tích nhỏ chỉ vài chục m2, hiện trang trại của anh được mở rộng ra khoảng 300m2. Trên diện tích này có khoảng 100 khay gỗ để nuôi sâu. Và cứ 35 đến 40 ngày, mỗi khay gỗ có thể sản sinh ra 20kg sâu thương phẩm.
Chủ trang trại này chia sẻ diện tích không phải là vấn đề với một người muốn khởi nghiệp bằng sâu gạo, chỉ cần 15m2 là có thể nuôi được. Mỗi kg con giống gồm 1.000 đến 1.200 con, sẽ sinh sản được trong vòng 6-8 tháng.
Mỗi cân giống, nếu ép nhộng tốt thì sau 35 đến 40 ngày sẽ phát triển được khoảng 5kg sâu thương phẩm. Anh Trọng cũng tính toán, chi phí để nuôi một kg sâu giống đến khi có thành phẩm và bán ra thị trường chỉ vào khoảng 50.000 đến 60.000 đồng (gồm khoảng 4kg cám gà con và 10.000 đồng tiền thuốc). Khi xuất bán ra thị trường giá mỗi kg sâu gạo là khoảng 100.000 đến 120.000 một kg. Với 5kg sâu thương phẩm, chủ trang trại có thể được lãi 400.000 đến 500.000 đồng, tùy giá từng thời đểm.
Nguồn: vnexpress.net
Để ươm sâu giống thì anh phải nuôi lâu hơn, khoảng 90 ngày mới có thể ép nhộng. Chủ trang trại cũng tính toán để có số sâu giống gối đầu hợp lý, đảm bảo việc sinh sản đều đặn.
Anh Trọng chia sẻ, một trong những ưu điểm khi nuôi loại côn trùng này là không tốn quá nhiều chi phí thức ăn. "Chúng chủ yếu ăn cám gà con, cám gạo hoặc rau củ quả... Mỗi ngày chúng chỉ ăn hai bữa nên cũng không quá vất vả. Tuy nhiên, người nuôi thường phải chú ý 3 kỹ thuật quan trọng nhất là ép như thế nào cho con sâu nở nhiều nhộng, chăm sóc sao cho đến ngày thứ 20 sâu không bị chết, làm sao để con sâu có màu vàng, chứ không bị đen thì chẳng bán được cho ai", anh cho hay.
Hiện bên cạnh việc phát triển trang trại của mình, anh Trọng còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, làm trang trại và bán giống cho những người có nhu cầu phát triển mô hình này. Ngoài ra, do nhu cầu thị trường khá lớn nên anh Trọng còn thu mua của một số mối nữa để bán sỉ ra thị trường. "Những ai đến nhà tôi học kỹ thuật nuôi và mua giống thì tôi bao đầu ra luôn cho họ. Cả sản phẩm của nhà và hàng nhập, mỗi tuần tôi bán sỉ cho đầu mối khoảng 5-6 tạ sâu", chủ trang trại cho hay.
Tuy nhiên, chủ trang trại này cũng cho biết, loài sâu này chỉ phù hợp với khí hậu nóng, ổn định ở miền Trung hoặc miền Nam. Một số người ở miền Bắc cũng học kỹ thuật nuôi nhưng do khí hậu không hợp nên khó thành công.
Ngọc Tuyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn