Ông Bảy cho biết, sau đợt mặn xâm nhập sâu lịch sử năm 2016, vườn dừa trên 25 năm tuổi rộng 5ha của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Với ý nghĩ làm sao để vườn dừa được phục hồi và không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 2017, ông quyết định làm mới và đào sâu các mương nhỏ bên trong xung quanh vườn dừa cho thông nhau và xây dựng hệ thống cống 2 mặt kiên cố khép kín gồm: 1 cống đáy và 1 đường xà để đưa nước vào hoặc rút cạn nước ra, kết hợp thả tôm càng xanh, cá các loại. Nhờ đó, đến nay, toàn khu vực 5ha trồng dừa của ông Bảy luôn đảm bảo nước tưới thuận lợi quanh năm, không lo lắng thiếu hụt nước ngọt như trước. Ông Bảy chia sẽ: "gia đình tôi thì thấy canh tác truyền thống cho năng suất không bền vững, không cao, bởi điều kiện thời điểm nước mặn thì cây dừa bị ảnh hưởng, bị treo, trái nhỏ, nên bán không được giá, thành ra tôi thấy dự trữ nước ngọt để phục vụ vườn dừa là hiệu quả rất cao, thu hoạch về năng suất rất ổn định,....".
Hệ thống cống ngăn mặn trữ ngọt cục bộ khép kín của ông Phạm Văn Bảy. (Ảnh: Thanh Hương)
Song song với đảm bảo nguồn nước, ông còn tích cực học hỏi và thực hiện quy trình canh tác dừa theo chuẩn hữu cơ sạch, không dùng thuốc, phân bón hóa học, giúp đảm bảo môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Quy trình canh tác vườn dừa hữu cơ theo ông Bảy khá đơn giản, ông chủ yếu tận dụng phân bò, phân dê của gia đình rồi sử dụng men vi sinh thực hiện quy trình ủ truyền thống trong hầm bê tông rộng 15m2 và sau 2 tháng đem ra bón cho vườn dừa. Theo ông Bảy, một năm ông bón phân hữu cơ 3 lần, mỗi lần ông bón 6 tấn kết hợp với tưới nước và bồi gốc.
Ông Bảy cho biết thêm, để cây dừa hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng của phân ủ, ông bón cách gốc 1,5m, mùa mưa lấy lá phủ xung quanh gốc, mùa nắng tưới nước thường xuyên. Nhờ đó vườn dừa lão hóa của gia đình ông đã phát triển tốt, cho năng suất cao, trái to, ít đỗ trái, bán được giá cao và ổn định nhờ Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới bao tiêu sản phẩm. Hiện bình quân mỗi tháng với 5ha dừa, ông Bảy thu được từ 4.000 đến 5.000 trái, bán với giá 80.000 đồng/1 chục (12 trái), thu nhập bình quân mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Mô hình ngăn mặn, trữ ngọt trồng dừa hữu cơ hiệu quả của ông Phạm Văn Bảy. (Ảnh: Thanh Hương)
Cần cù, chịu khó trong nghiên cứu đổi mới cung cấp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế địa phương và cải tạo hiệu quả vườn dừa lão hóa, ông Phạm Văn Bảy đã được các cấp biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đặc biệt ông được công nhận là nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2014 - 2019 và trở thành nông dân tỷ phú của huyện. Dự kiến năm nay, ông đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn dừa để tiết kiệm nước.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Vang cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 44 hộ tham gia chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ, trong đó có nhiều hộ thực hiện theo mô hình ngăn mặn trữ ngọt như ông Phạm Văn Bảy và đã cho hiệu quả kinh tế cao so với mô hình vườn dừa truyền thống. Tới đây, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân rộng trong hội viên nông dân thực hiện theo mô hình của ông Bảy để áp dụng vào vườn dừa hữu cơ cho đạt hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân.
Nguôn: nongthonmoi.bentre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn