Cam Sành - một trong những sản phẩm đặc trưng, được tỉnh quan tâm kêu gọi liên kết, thu hút đầu tư. Trong ảnh: Vườn cam Sành của người dân xã Trung Thành (Vị Xuyên). |
Vùng đất nhiều tiềm năng
Với vị trí địa lý thuận lợi, nơi giao thoa văn hóa giữa vùng Đông – Tây Bắc, cùng lịch sử văn hoá lâu đời, địa bàn cư trú, sinh sống của 19 dân tộc; cùng với đó, tỉnh có cảnh quan hùng vĩ, độc đáo với hệ thống 23 di tích, danh lam thắng cảnh xếp hạng Quốc gia, 1 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận, 8 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; các lễ hội, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc được giữ gìn, phát huy... có giá trị lớn trong khai thác du lịch. Hơn 5 năm trở lại đây, khách du lịch đến với tỉnh liên tục tăng. Đặc biệt, trong năm 2017, khách du lịch đến tỉnh ta đạt hơn 1 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 910 tỷ đồng.
Từ đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh đã xây dựng và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ đối với một số cây trồng có thế mạnh như cam Sành, chè Shan tuyết, dược liệu và chăn nuôi trâu, bò, ong mật. Diện tích cam hiện có trên 8.700 ha, 4.300 ha cho sản phẩm, sản lượng năm 2017, đạt 46 nghìn tấn, dự kiến đến năm 2020 đạt 80 – 100 nghìn tấn/năm. Chè Hà Giang chủ yếu dòng Shan tuyết cổ thụ, tuổi đời từ 50-300 năm, phần lớn diện tích được phân bố ở độ cao trên 600m so với mực nước biển. Diện tích chè hiện có 21.670 ha, trong đó, có 18 nghìn ha cho sản phẩm, sản lượng búp tươi hàng năm đạt khoảng 70 nghìn tấn. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc, tỉnh ta đã xây dựng thương hiệu cam và chè, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh ta có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng với trên 1 nghìn loài. Ngoài ra, tổng đàn gia súc của tỉnh có trên 800 nghìn con, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 30 nghìn tấn thịt hơi các loại. Đặc biệt, thịt bò Cao nguyên đá Đồng Văn có chất lượng tốt, hàm lượng đạm cao. Tỉnh ta còn có lợi thế về nuôi, phát triển mật ong Bạc hà, sản phẩm đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách
Để phát huy tiềm năng, mở hướng liên kết, thu hút đầu tư, tỉnh ta tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; thành lập Trung tâm Hành chính công của tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh liên kết ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành trong các lĩnh vực địa phương có thế mạnh; đăng ký bản quyền, thương hiệu sản phẩm địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực…
Còn nhớ, tại Hội nghị giới thiệu Hà Giang với các đối tác mới được tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh ta đang tăng cường mở rộng, thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để liên kết, thu hút đầu tư. Trong đó, chú trọng thu hút các nguồn lực bên ngoài về công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khoa học - công nghệ phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; xúc tiến du lịch đến các thị trường quốc tế; hệ thống hóa và kết nối các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh, trong khu vực và quốc tế. Phát triển, chuyển giao giống cây trồng chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ an toàn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành. Quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông sản, dược liệu lợi thế của tỉnh đến thị trường quốc tế; hỗ trợ tư vấn, xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng phù hợp và chương trình xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án về cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hệ thống trang thiết bị y tế, hạ tầng giao thông… Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học - công nghệ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động và các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Hiện nay, mức độ, phạm vi hội nhập quốc tế của tỉnh còn có sự khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng với việc phát huy lợi thế và khắc phục, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… tiến trình hội nhập quốc tế của tỉnh sẽ ngày càng phát triển sâu, rộng trên các lĩnh vực.
Theo Kim Tiến/Báo Hà Giang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn