Nhãn được mùa được giá
Dọc theo Quốc lộ 4G vào huyện Sông Mã những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc xe ôtô ngược xuôi chở đầy nhãn. Đôi bờ dòng Sông Mã là những cánh rừng nhãn xanh ngát sai trĩu quả. Trên những sườn đồi hay sân vườn không khí lao động tấp nập, người bẻ nhãn, người bóc long nhãn, người mua nhãn…
Huyện Sông Mã hiện có 5.500 ha nhãn với gần 32.000 hộ dân ở 19/19 xã thị trấn tham gia trồng nhãn, chiếm trên 80% diện tích cây ăn quả của huyện. Sản lượng nhãn ước đạt 35.000 tấn, giá bán hiện nay trung bình từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Ước tính, nhãn sẽ đem lại thu nhập cho huyện tới cả nghìn tỷ đồng.
Những cánh rừng nhãn xanh ngát trĩu quả ngập lối đi
Thời tiết thuận lợi, vụ nhãn năm nay được mùa, có những cây nhãn cho gần 1 tấn quả/1 cây và phải tận mắt chứng kiến mới dám tin vào mắt mình. Nhãn Sông Mã có đặc trưng riêng quả to, cùi dày, hạt nhỏ, hương vị thơm ngọt được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến mua. Khác với những năm trước, năm nay nhãn chín đến đâu thu hoạch tới đó mà không bị thương lái ép giá, nhiều hộ nông dân thu tiền trăm triệu đến tiền tỷ từ nhãn.
Lái buôn đang thu mua nhãn của người dân Sông Mã
Đến thăm mô hình trồng nhãn của gia đình anh Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn 2, xã Chiềng Khoong (Sông Mã), tận mắt ngắm nhìn những chùm nhãn sai trĩu quả mới cảm được niềm vui của người trồng nhãn. Ngắt chùm nhãn mời chúng tôi thưởng thức anh Bằng kể: Sông Mã là vùng đất rất thích hợp với nhãn. Năm 2008 tôi thí nghiệm ghép thay thế nhãn địa phương, sau 2 năm cho thu hoạch năng suất cao. Hiện nay gia đình tôi có 1,5 ha, với 400 nhãn gép, với giá bán từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/kg như hiện nay, tính sơ sơ tôi cũng thu được vài trăm triệu đồng.
Tin vui cho người trồng nhãn
Mấy năm trước đây, ở Sông Mã chủ yếu trồng các giống nhãn địa phương, việc chăm sóc đầu tư cho nhãn chưa tốt, năng suất chất lượng chưa cao, một phần do thị trường tiêu thụ ít, nhiều nơi bà con đã chặt phá đi. Thì giờ đâu đã khác, những giống nhãn cũ được bà con cải tạo, cấy ghép giống nhãn mới quả to, cùi dày, năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy nhãn Sông Mã dần khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng.
Từng hối tiếc vì chỉ nghĩ về lợi ích trước mắt, ông Hà Văn Dũng, bản Nà Lằng, xã Chiềng En (Sông Mã) tâm sự: Trước đây tôi trồng hơn 200 gốc nhãn, do không biết chăm sóc, thu nhập chẳng được là bao, tôi quyết định phá đi để trồng ngô. Bây giờ thấy nhãn gép quả to được giá, người mua ngày càng nhiều. Nhớ lại những gốc hơn chục tuổi tôi thật tiếc quá, giờ phải trồng mới cũng mất vài năm mới có thu hoạch.
Cán bộ đang kiểm định chất lượng nhãn
Để cây nhãn phát triển bền vững, vừa qua huyện Sông Mã đã tổ chức “ngày hội nhãn Sông Mã” nhằm quảng bá thương hiệu nhãn đến với người tiêu dùng trong nước. Đồng thời tạo sự liên kết giữa người trồng và người mua tạo đầu ra cho sản phẩm nhãn, giúp người trồng nhãn thêm gắn bó với nhãn. Một tín hiệu vui với người trồng nhãn, sản phẩm nhãn Sông Mã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “đăng ký nhãn hiệu nhãn Sông Mã” mở ra cơ hội để các doanh nghiệp người tiêu dùng cả nước biết đến, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn, đưa nhãn trở thành cây trồng bền vững cho bà con nông dân của huyện Sông Mã.
Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhãn Sông Mã
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng nhãn, thời gian tới huyện Sông Mã tiếp chỉ đạo nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm cải tạo giống, đưa giống nhãn chất lượng cao vào sản xuất.
Thị trường tiêu thụ nhãn Sông Mã đang mở rộng, phát triển nhãn đang trở thành một tiềm năng thúc đẩy Sông Mã phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn