Sản phẩm nông nghiệp sạch
Năm 2017, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, ông Trần Văn Tạo, thành viên THT làm vườn bến Bà Chi mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang SX theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau gần 1 năm thực hiện, ông Tạo đánh giá, việc trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi ND phải tuân theo quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, người dân phải xây dựng hố xí tự hoại, hố lắng, xây dựng kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hố chứa rác thải, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép…
Đặc biệt, ND phải ghi chép sổ nhật ký SX như: ngày bón phân, ngày phun thuốc BVTV, ngày thu hoạch trái, để đảm bảo thời gian cách ly và thu hoạch trái an toàn.
Nhờ áp dụng phương pháp này, vườn xoài gia đình ông Tạo đạt kết quả khả quan. Ông Tạo cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi trồng 2ha xoài cát Hòa Lộc. Trước đây, mỗi vụ tôi thường bón phân từ 12-15 lần. Mùa mưa, lượng phân bón, thuốc BVTV cũng như số lần phun, xịt thuốc tăng. Từ khi canh tác theo VietGAP, số lần bón phân giảm xuống còn 8-10 lần. Nhờ vậy, chi phí SX giảm đáng kể”.
Theo ông Bùi Văn Quí, Tổ trưởng THT trồng xoài bến Bà Chi, cái lợi trong việc sản xuát trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình SX sạch, ít sử dụng thuốc BVTV, sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, áp dụng theo quy trình này, chi phí SX giảm 40% so với phương pháp truyền thống. Năng suất trái tăng khoảng 40% so với trước đây.
“Từ khi bà con liên kết SX xoài VietGAP, trình độ SX đã tăng khá cao, nhận thức bà con cũng tăng cao. Việc vứt bỏ các phế phẩm thuốc BVTV ra môi trường không còn nữa, các tổ viên đã thu gom và tiêu hủy đúng cách” - ông Quí cho hay.
Nâng cao giá trị nông sản
Việc áp dụng chương trình SX trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thay đổi nhận thức của ND trong cách nghĩ, cách làm và quan điểm SX nông nghiệp.
Từ SX theo tập quán cũ chuyển sang áp dụng kỹ thuật tiến bộ, năng suất và chất lượng được giữ vững, đồng thời góp phần bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Phó Chủ tịch Hội ND xã Lê Trì Nguyễn Văn Hữu Phước cho biết, việc canh tác xoài theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều mặt thuận lợi như: tiết kiệm chi phí SX, thị trường tiêu thụ rộng lớn; sản phẩm làm ra sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…
“Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm xoài ở bến Bà Chi, đặc biệt là các hộ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật để chăm sóc cây xoài theo hướng an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xoài nói riêng, các loại cây trồng thế mạnh của địa phương nói chung. Qua đó, góp phần đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho bà con ND”- ông Phước cho biết.
Tuy nhiên, có một thực tế là các sản phẩm VietGAP của THT được thương lái thu mua bằng giá các sản phẩm trồng theo cách thông thường. Do đó, để nhân rộng mô hình VietGAP, bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật, người dân rất cần địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm.
THT làm vườn bến Bà Chi được thành lập vào tháng 3-2017. Hiện nay, tổ có 30 thành viên, canh tác trên diện tích 78ha, trong đó có 11 thành viên canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 20ha). Hoạt động chính của THT là hỗ trợ các thành viên xây dựng vùng trồng cây ăn trái trên đất núi đạt năng suất, chất lượng cao, có sản lượng đủ lớn và ổn định, là cơ sở để xây dựng thương hiệu trái cây an toàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn