Nằm ở vùng trung tâm Bắc Bộ, tài nguyên rừng Phú Thọ khá đa dạng, với nhiều loài động, thực vật đặc trưng cả nước, mang lại nhiều nguồn lợi cho đời sống.
Song quá trình quản lý, khai thác còn bất cập nên có thời kỳ rừng tỉnh ta xuống cấp nghiêm trọng. Nếu trước năm 1970, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh còn chiếm tới trên 50%, trong đó tỷ lệ rừng nguyên sinh, rừng giàu chiếm 2/3 thì đến năm 1990 độ che phủ của rừng chỉ còn 13%. Từ một địa phương giàu tài nguyên rừng, với nhiều loại lâm sản quý Phú Thọ mau chóng trở thành tỉnh đa dạng sinh học bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn của đất nước sau chiến tranh, đồng thời còn thiếu các giải pháp về quản lý, quy hoạch phát triển.
Sau mấy chục năm đổi mới phát triển, thông qua chính sách giao đất, giao rừng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, huy động nguồn lực đẩy mạnh phủ xanh đất trống, đầu tư công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh đã dần trả lại màu xanh cho rừng, nâng độ che phủ từ 30,8% (năm 2000) lên trên 52% (năm 2014), đưa Phú Thọ trở lại là địa phương có độ che phủ rừng cao của cả nước. Cùng với việc nâng độ che phủ của rừng, nhiều năm qua, kinh tế lâm nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong nông, lâm nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung. Từ năm 2010 đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành mỗi năm đạt 3.200 - 3.500 tỷ đồng, tăng 6-8,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 350-400 nghìn m3/năm; đã đóng góp tích cực vào phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực xếp loại hàng đầu cả nước như công nghiệp giấy, bảo vệ các hệ sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học tại các vùng nông thôn, miền núi.
Tuy đã tăng nhanh diện tích phủ xanh, đưa lâm nghiệp có vị thế trong kinh tế, môi trường nhưng phát triển lâm nghiệp mấy chục năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhanh nhưng chất lượng rừng hạn chế. Từ năm 1990 đến nay, thông qua các chương trình, dự án như 327, 661, trồng rừng nguyên liệu giấy, chương trình lâm nghiệp xã hội... để trồng rừng. Do đặc thù thị trường và yêu cầu đầu tư trong trồng rừng mấy chục năm qua, ưu tiên số một là trồng các cây nguyên liệu giấy như bạch đàn, mỡ, keo, bồ đề... còn cây phục vụ cho chương trình kinh tế khác như cây gỗ lớn, cây lấy gỗ quý, cây dược liệu ít được quan tâm… Từ đó dẫn đến các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học của rừng chưa được nâng cao. Các loại lâm sản ngoài gỗ chưa được chú trọng. Do áp dụng kỹ thuật trồng rừng coi trọng cây trồng chính, qua quá trình xử lý thực bì, chăm sóc phục vụ trồng rừng chủ yếu quan tâm cây lâm nghiệp chủ đạo, các loại cây lương thực ngắn ngày, cây lâm sản ngoài gỗ như dược liệu, mây, tre, nứa... vật nuôi dưới tán rừng chưa được quan tâm phát triển, thậm chí còn bị triệt hạ. Phần lớn nông dân sống trong khu vực nông thôn miền núi nơi có nhiều rừng, đất rừng thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn lao động chủ yếu là giản đơn, bất cập cho việc phát triển một nền sản xuất lâm nghiệp hàng hóa nên khi tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp khó khăn, thiếu ổn định, chỉ quan tâm đến cái lợi nhất thời, trước mắt, trong khi đó chu kỳ sản xuất kinh doanh lâm nghiệp dài, đòi hỏi phải có vốn, có kỹ thuật tổng hợp cũng là tác nhân hạn chế đến kinh tế lâm nghiệp. Thông thường chu kỳ trồng rừng kéo dài 7-8 năm, thậm chí vài chục năm, trong khi đó người dân thiếu vốn, kinh tế khó khăn nên thường chỉ quan tâm các sản phẩm giải quyết nhu cầu trước mắt, dẫn đến năng suất và hiệu quả rừng trồng thấp. Ngành công nghiệp chế biến của tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lâm nghiệp làm cho việc trồng rừng bị mất cân đối. Hiện nay ngoài công nghiệp chế biến giấy là tương đối phát triển, còn các ngành công nghiệp chế biến lâm sản khác của tỉnh chưa thực sự chú trọng nên không tạo cơ hội cho người trồng rừng đa dạng các loại cây trồng. Có thời kỳ một số địa phương ồ ạt trồng quế, nhưng kết quả bán làm dược liệu rất hạn chế, buộc người trồng phải bán nguyên liệu và sản phẩm sơ chế, thậm chí chặt bỏ. Mặc dù cả tỉnh có trên 17.000ha rừng, đất rừng quy hoạch rừng đặc dụng gắn với danh lam, di tích lịch sử, văn hóa Đền Hùng, Xuân Sơn, Núi Nả, khu Phục Cổ… nhưng các tiềm năng dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái chưa được đẩy mạnh phát triển khai thác chu đáo để góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Từ thực trạng trên, để phát triển kinh tế lâm nghiệp đi đôi với việc bảo vệ các hệ sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học tại các vùng nông thôn, miền núi, là một yêu cầu rất lớn để nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng lâm nghiệp. Để thực hiện tốt việc này cần tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng đa dạng hóa gồm: Đa dạng nguồn lực phát triển, sử dụng đất rừng và đa dạng chức năng rừng.
Trước hết cần thực hiện tốt công tác quản lý đất đai tạo cơ hội nhiều thành phần tham gia phát triển vốn rừng. Tiếp tục duy trì kết quả giao đất, giao rừng gắn với tăng cường hiệu quả công tác quản lý đất rừng theo nội dung mới của Luật Đất đai để người sản xuất yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển. Trước mắt ổn định diện tích giao, khoán cho các đơn vị, cá nhân khai thác, quản lý tốt đất rừng đồng thời rà soát sắp xếp lại diện tích đã giao khai thác không hiệu quả, chuyển sang chủ sử dụng mới thuê, khoán… tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp. Trong đó đặc biệt quan tâm diện tích đất lâm nghiệp do các nông, lâm trường, tổ chức xã hội, hộ nông dân quản lý, sử dụng không hiệu quả, sắp xếp lại theo quy hoạch tái cơ cấu ngành. Đổi mới chính sách phát triển để huy động nhiều đối tượng nguồn lực phát triển lâm nghiệp. Tiếp tục rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, có chính sách giao đất, giao rừng, sắp xếp doanh nghiệp lâm nghiệp theo hướng cổ phần hóa, đa dạng hình thức sở hữu vốn, sử dụng đất để huy động nhiều tổ chức cá nhân đầu tư khai thác quỹ đất rừng, nhất là những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ kết hợp với khai thác du lịch sinh thái và các lâm sản ngoài gỗ từ rừng phục vụ yêu cầu phát triển đa dạng.
Phát triển lâm nghiệp theo đúng định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển ba loại rừng đã được phê duyệt. Đối với rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ diện tích hiện có nghiêm ngặt, không để tàn phá. Có giải pháp bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng, trồng các loài cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ gắn với khai thác phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, phát huy tốt nhất khả năng phòng hộ đầu nguồn. Đối với rừng sản xuất tập trung chọn lựa loại cây đa mục tiêu, hiệu quả kinh tế cao, quy hoạch phát triển rừng gắn với chế biến theo công nghệ cao, gắn chế biến với tiêu thụ. Trong đó ưu tiên tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tạo điều kiện để Nhà máy giấy Bãi Bằng phát triển ổn định, đồng thời tạo cơ hội mở rộng trồng các loại rừng khác như rừng cây gỗ lớn, rừng đa mục tiêu… phục vụ yêu cầu dân sinh.
Trong phát triển đẩy mạnh ứng dụng TBKT để nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng và phát triển lâm sản ngoài nhằm da dạng các cây trồng, vật nuôi. Theo đó rừng nguyên liệu giấy phát triển trồng các loại cây đa tác dụng có thể khai thác làm bột giấy, gỗ thanh, gỗ bóc, kết hợp với kỹ thuật khai thác để phát triển trồng cây gỗ lớn. Chú trọng trồng rừng đa tác dụng kết hợp “lấy ngắn nuôi dài”, thông qua đẩy mạnh sản xuất, gieo trồng các loại lâm sản ngoài cây nguyên liệu giấy các loại lâm sản ngoài gỗ như cây dược liệu, mây tre, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, trồng cây lương thực ngắn ngày để tạo thêm nguồn thu cho người trồng rừng, gắn kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Có biện pháp chỉ đạo đổi mới công tác chỉ đạo trồng rừng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, hạn chế dần tình trạng duy trì rừng chồi, rừng quảng canh còn đang phổ biến hiện nay.
Sắp xếp quy hoạch lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản và thị trường để nâng cao giá trị sau thu hoạch. Ngoài cơ sở công nghiệp giấy, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, chế biến đơn giản tạo cơ hội hình thành cơ sở chế biến sâu, gắn chế biến với vùng nguyên liệu. Từng bước hình thành vùng chế biến lâm sản sâu, chất lượng cao, giá trị lớn. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, để duy trì hệ sinh thái rừng và tính đa dạng sinh học của rừng. Kinh nghiệm mấy chục năm qua cho thấy để có được mầu xanh của rừng, công tác quản lý bảo vệ, PCCR luôn là yêu cầu thiết yếu, tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách phù hợp đa dạng hóa hình thức quản lý, bảo vệ hạn chế thấp nhất thiệt hại, tác động đến rừng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn