Nhặt lá tre để làm gì? Tại sao lá tre lại giúp người đàn bà ấy giàu có? Đất nước ta đâu đâu cũng có tre có trúc, sao không đi nhặt nhạnh như chị để kiếm tiền?
“Nhặt lá, đá ống bơ”
Chị Đặng Thị Triệu ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội). Là xã miền núi của huyện Mỹ Đức, nên ở đây không có thứ gì nhiều hơn đá, kể cả ruộng đồng. Phía bên kia dòng sông là huyện Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình, cũng lại một màu đá xám giống như Đồng Chiêm.
Lá tre được kẹp vào thanh nứa đem sấy.
Chị Triệu bảo, ở những vùng quê đá núi như thế này thì chẳng có nghề phụ gì. Chỉ có nghề nông và chăn nuôi thêm vài con gia súc. Gia súc bây giờ thì rất bất ổn, dịch bệnh chẳng biết nó đến lúc nào. Cây lúa thì bấp bênh, mùa được mùa mất; mà có trừ các chi phí đi thì bán đến hạt thóc cuối cùng trong nhà cũng chưa bù nổi lỗ so với số tiền bỏ ra mua phân đạm, kali, thuốc trừ sâu các loại.
Nhà chị Triệu trước cũng làm tròn mẫu ruộng. Thế nhưng hạt thóc chưa lúc nào giúp gia đình chị thoát nghèo. Và “muốn con hay chữ” thì hạt thóc không giúp gì cho tương lai. Vậy là chị thành người lẩn thẩn, đi ra đi vào suốt ngày, lo quá mà đâm bệnh.
Đận những năm 1992, người Đồng Chiêm cứ thấy một người đàn bà đi nhặt lá tre ở ven các con đường nhỏ, hoặc trong rừng trúc. Có ngày chị lẩn thẩn sang tận Kim Bôi nhặt đầy cả bao tải toàn lá là lá. Chị khẳng định mình không điên, nhưng người đời ác ý vẫn bảo chị điên. Có điên mới đi “nhặt lá, đá ống bơ” như thế.
Cho đến khi căn nhà cấp bốn xập xệ nhà chị đầy ắp lá tre. Gần chục mạng người trong nhà không còn chỗ để nằm, thì những người trong làng ngoài xóm mới thực sự xác tín một điều rằng: Cô Triệu bị điên.
Trở thành tỷ phú
Người ta bất ngờ về một cô Triệu bị điên bao nhiêu thì giờ lại khâm phục về một cô Triệu tỷ phú bấy nhiêu. Thì ra trong thời gian dài lẩn thẩn ấy, chị Triệu đi nhặt lá tre về để làm giàu. “Cũng trong cái khó mà ló cái khôn cả thôi. Mình cứ cầm cái lá tre mà nghĩ không biết có ai mua không, mà có mua thì không biết để làm cái gì”, chị Triệu chia sẻ.
Cuối năm 1992, chị Triệu bắt mối được với một người ở Phú Thọ có nhu cầu thu mua lá tre. “Thời giá bấy giờ là 14 nghìn đồng/kg lá tre khô. Nhưng tôi không biết là họ mua làm gì, đem đi đâu nên không chắc thắng. Tôi có hỏi họ nguyên do, họ trả lời đang thí điểm, nếu lá tre tốt thì sẽ làm ăn lâu dài”, chị Triệu cho hay.
Vậy là trong nhà có bao nhiêu lá tre, chị Triệu hô hào chồng con đem hết ra ngoài. Người thì phân loại lá, người khác lại đếm lá đóng bao, người khác nữa vào rừng hái lá tre tươi về phơi sấy. Chỉ một năm sau, căn nhà cấp bốn được chị phá bỏ. Trên nền đất ấy là căn nhà khang trang, tường ốp toàn gỗ xịn.
“Sau này tôi có liên hệ được với một công ty chuyên xuất khẩu lá tre sang Đài Loan để họ gói bánh cổ truyền. Thứ lá tre họ thu mua phải là lá tre to, ở quê tôi gọi là lá bương. Thực chất đó là lá tre bát độ, gói bánh với loại lá này rất thơm mà lại đảm bảo an toàn, thẩm mĩ”, chị Triệu bật mí.
Sẵn có mối hàng, chị Triệu thuê 20 người địa phương làm việc trong xưởng của mình. Công việc của họ chỉ đơn giản là đếm lá tre kẹp vào thanh nứa đem vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao. Ấy vậy mà lương công nhân cũng ở mức 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày, người dân lân cận cứ việc lên rừng hái lá tre đem về bán cho cơ sở của chị Triệu.
Mỗi ngày, vài tấn lá tre tươi được chuyển đến cơ sở. Nhờ nghề đi nhặt lá tre mà nhiều người ở địa phương đã thoát nghèo. Cô Triệu bị điên ngày nào bây giờ đã trở thành tỷ phú nức tiếng. Người ta bắt đầu bảo cô Triệu giỏi, nhưng chính bản thân nữ đại gia này thừa nhận: “Tôi chỉ học hết lớp 4 bổ túc, đến chữ ký còn không rành”.
Cao điểm, chị Triệu xuất khẩu hàng chục tấn lá tre/tháng.
Thương hiệu lá tre Việt
Chị Triệu cho biết, mỗi tháng chị xuất khẩu sang Đài Loan 30 tấn lá tre khô. “Tháng cao điểm lên tới hàng chục tấn. Bên ấy họ không hạn chế số lượng lá tre, miễn sao lá tre phải đẹp, không bị rách và phải có mùi thơm đặc trưng. Họ đều nhận xét lá tre Việt rất tốt, đó là cơ hội để mình quảng bá sản phẩm Việt”, chị Triệu cho biết.
Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 30 nghìn đồng/kg; lá tre tươi là 7 nghìn đồng/kg. Lá tre được chia làm hai loại. Loại một dài 45cm, ngang 10cm; loại hai dài 40cm, ngang 8cm. Lá tre thành phẩm yêu cầu phải lành lặn, chỉ rách một tí là coi như vứt.
Năm 2010, chị Triệu bỏ ra một số tiền lớn thuê chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho bà con cách hái lá tre đảm bảo, kể cả cách phơi sấy và đóng hàng. Nhờ vậy, người dân địa phương cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm lá tre tiêu chuẩn.
Chị Triệu cho xây một lò sấy công suất lớn, trong vòng 6 tiếng có thể sấy được 2 tạ lá tre. “Cũng có lần sơ suất trong khi sấy mà tôi cháy toàn bộ ngôi nhà. Thật là làm giàu không khó nhưng cũng rất dễ để mất tất cả”, chị Triệu chia sẻ.
Vì để quảng bá thương hiệu lá tre Việt nên những công nhân trong xưởng của chị Triệu phải học khá thành thục cách sao sấy lá tre. Khi lá tre tươi được thu mua về, họ phân loại rõ ràng từng lá. Sau đó, cứ 5 lá một được kẹp với nhau giữa hai thanh nứa để treo vào lò. Làm như vậy, khi lá tre khô sẽ không bị quăn, lại có mùi thơm đặc trưng
Chị Triệu tiết lộ, trừ chi phí nhân công và tiền thu mua nguyên liệu, mỗi năm chị thu lãi từ 2 – 3 tỷ đồng. Vì mặt hàng này không bao giờ ế, để lâu cũng không bị hỏng nên việc xuất khẩu rất đảm bảo. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu tự nhiên nên không quá khan hiếm. Hiện, chị đang tìm thêm đầu mối tiêu thụ để có thể mở rộng cơ sở giúp nông dân miền núi có thêm công ăn việc làm
Theo Dân Việt