Ông Kang Chun Ol - kỹ sư nông nghiệp đã về hưu cho biết: “Những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng sau phong trào "Saemaul Undong" (Cộng đồng mới) được Chính phủ phát động, nhấn mạnh vào việc cần cù, tự lực, hợp tác, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh.
Nông nghiệp Hàn Quốc nói chung và Incheon phát triển không ngừng. Incheon đã xác định được những thế mạnh về nông nghiệp để tập trung vào việc phát triển giống cây, thương hiệu và đem xuất khẩu- nho, sâm tươi, củ cải ngọt, khoai lang mật ong. Thu nhập của của người nông dân Incheon lúc này khá cao khoảng 2,5 triệu - 5 triệu won/tháng (tương đương 50-100 triệu đồng)”.
Theo ông Kang, với thu nhập cao như vậy, chuyện bỏ tiền mua vé vào xem các vận động viên hàng đầu châu lục so tài tại ASIAD 2014 với nông dân Incheon là… chuyện nhỏ! Nếu bạn đến bất kỳ trung tâm thương mại Lotte nổi tiếng Hàn Quốc nào trên đất Hàn Quốc bạn có thể thấy nho và nam việt quất Ongjin có mặt trên kệ với giá rất rẻ.
Chỉ 10.000 won là bạn mua được 1 thùng khoảng 3kg, được đóng hộp đẹp đẽ, chống sốc và tươi ngon. Người Hàn Quốc hiếm khi nhập khẩu hoa quả ở các nước khác. Họ thích đặc sản quốc gia mình và ủng hộ các thương hiệu trong nước. Đó là điều rất đáng học tập.
Nông dân Incheon thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nhất về công nghệ bảo quản giống và sản phẩm. Giống cây của họ được rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu tham gia cải tiến. Nhưng đa số họ thích giữ nguyên giống cổ với những hương vị riêng có mà chỉ có những vùng đất đặc trưng mới đem lại, giống như “húng Láng, ngổ Đầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” của Việt Nam vậy.
Họ không khuyến khích việc lai tạo quá nhiều mà muốn giữ nguyên hạt giống cổ nhưng cải thiện sản lượng nuôi trồng. Công nghệ sinh học hiện đại đã làm được điều này và đó là thành công của người nông dân thời hiện đại của Hàn Quốc. Nghe người kỹ sư già nói, tôi trộm nghĩ: Nếu khoai lang Hoàng Long của Việt Nam mà giữ nguyên được hương vị và vẫn tăng cường được sản lượng thì khoai lang Nhật với lại khoai lang mật ong Hàn quốc đâu còn “đất” để xuất khẩu (?!).
Không chỉ người nông dân trồng cây, người dân Incheon nói chung cũng có thói quen trồng cây trong vườn nhà để tự cung cấp một số loại rau củ hay sử dụng nhất như hẹ, ớt, su hào, cà rốt để muối kim chi hàng ngày. Ông Kang cho biết, đó là thói quen và cũng là để giáo dục “bọn trẻ” biết bảo vệ môi trường sống. Viện Bảo tàng Nông nghiệp Ganghwa được xây dựng và mở ra với mục đích giới thiệu các tính năng nông nghiệp của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là địa điểm tham quan trọng tâm của nhiều trường học.
Ở đây, các em sẽ được biết đến những tính năng nông nghiệp, cung cấp những thông tin thích hợp và kiến thức về quản lý và canh tác nông nghiệp máy móc thiết bị sử dụng cả trong quá khứ và hiện tại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn