Lên rừng sâu, núi thẳm để đổi đời
Sinh ra trong gia đình thuần nông, lại là con cả nên ông Kinh chỉ học xong lớp 5 rồi về nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Dù gia đình ông Kinh thuộc dạng chăm chỉ, làm cật lực nhưng do diện tích đất có hạn và bạc màu nên làm bao nhiêu cũng không đủ ăn.
Do hợp khí hậu và được chăm bón đầy đủ nên cây sơn tra (táo mèo) của gia đình ông Kinh sai trĩu quả
Để nuôi 7 nhân khẩu trong gia đình, ông Kinh sớm phải rời xa gia đình đi khắp các huyện thị, kể cả ở vùng cao làm thuê, làm mướn. Chính nhờ bươn trải trường đời sớm như vậy nên ông Kinh sớm học được nhiều cái hay, cái tốt và quyết chí làm giàu với chính nghề nông truyền thống.
Theo lời của ông Lường Văn Kinh trồng cây táo mèo ngoài cho hiệu quả kinh tế cao còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc
Trò chuyện với chúng tôi, ông Kinh kể lại: “Sau khi lập gia đình, năm 2008, vợ chồng tôi quyết định rời mảnh đất bản Nhộp (xã Chiềng Bôm) – “nơi chôn nhau, cắt rốn” lên nơi rừng sâu, núi thẳm Huổi Pu khai hoang trồng khoai sọ và nuôi 2 con bò. Còn nhớ lúc phát cỏ trồng khoai, do làm việc quá sức nên bàn tay của 2 vợ chồng tôi sưng, bỏng mụn nước, đau quá không làm gì được phải nghỉ 2 – 3 ngày mới hồi phục được. Không phụ lòng người, những giọt mồ hôi và công sức của chúng tôi đổ xuống mảnh đất này đã được đền đáp xứng đáng bằng 10 triệu đồng tiền bán khoai sọ sau vụ đầu tiên”.
Từ 3 con bò cái ban đầu, đến nay đàn bò của lão nông này gần 30 con
“Thu được 10 triệu đồng những năm 2008 – 2009, đối với người nông dân như chúng tôi đã là rất lớn rồi” – ông Kinh nhớ lại. Với diện tích đất đồi rộng lớn, số tiền trên tiếp tục được ông Kinh đầu tư mua thêm 1 con bò cái về nuôi rồi nhân đàn lên qua các năm. Thành công bước đầu, cứ nghĩ cây khoai sọ sẽ là “bàn đạp” để giúp cặp vợ chồng người Thái này thành công ở vùng đất mới. Nhưng chỉ được vụ đầu, vụ 2 trở đi năng suất khoai sọ giảm hẳn một nửa. Do đất đồi, dốc ít chất dinh dưỡng chỉ canh tác được 1 vụ/năm.
Phất lên từ khi làm VAC
Sau nhiều lần tìm tòi, học hỏi ông Kinh nhận thấy, thời tiết, khí hậu của miền rừng núi quanh năm suốt tháng lạnh lẽo này lại phù hợp với cây đào và cây sơn tra (táo mèo). Không chần chừ, gia đình ông bắt tay ngay vào trồng trăm gốc đào, trăm gốc táo mèo.
Từ chăm làm cỏ cho đào...
Theo ông Kinh, trồng đào và sơn tra chỉ vất vả lúc cây còn nhỏ. Khi cây đã lớn chăm sóc rất nhàn. Đối với sơn tra, mỗi năm chỉ bón phân 2 lần. Lần 1 vào tháng 3, lần 2 vào tháng 8, 9. Tận dụng nguồn phân chuồng có sẵn từ đàn bò, tùy vào độ tuổi của từng gốc mà bón phân sao cho hợp lý. Ngoài phân chuồng, gia đình sử dụng thêm NPK, Lâm thao nhưng bón với tỷ lệ rất ít chỉ khoảng 2 – 3 lạng một gốc. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mấy năm trở lại đây táo mèo luôn cho thu quả đạt từ 2 – 3 tấn quả/vụ. Với giá bán dao động từ 15.000 – 20.000đ/kg tươi, mỗi năm cũng bỏ túi từ 20 – 30 triệu đồng.
2 vợ chồng ông Kinh quán xuyến công việc ở trang trại rất chu đáo nên hiệu quả cao
“Cây đào chủ yếu đợi đến tết rồi bán cành. Một số khách hàng trả giá cao thì mình bán cả gốc. Tết vừa rồi, chỉ bán cành cộng với vài gốc đào mà vợ chồng tôi cũng thu được 20 triệu đồng” – ông Kinh phấn khởi nói.
Ngoài trồng cây và nuôi bò ra, ông còn trồng cà phê, măng ngọt, đào 2 ao thả cá trắm, chép và rô phi.“Sở dĩ tôi nuôi trồng nhiều loại cây, con như vậy là để tránh thất thoát vốn nếu chẳng may một cái nào đó gặp phải rủi ro còn có nguồn thu từ những cây, con còn lại bù vào” – ông Kinh tiết lộ.
Chiếc xe hơi gần tỷ đồng vừa được ông Kinh sắm cho vợ con làm phương tiện đi lại hàng ngày
Gắn bó với trang trại VAC gần chục năm nay, từ hộ nghèo, cuộc sống của gia đình ông Kinh đã phất lên thành hộ khá giả. “Sau mấy năm tích góp vốn, Tết năm 2018 này tôi vừa sắm được một con ô tô 700 triệu để đưa vợ con đi chơi tết cho an toàn. Mình làm được thì mình hưởng thụ thôi chú à” – ông Kinh tự tin, khoe.
Theo Tuệ Linh/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn